Vietstock - Bộ TN-MT: Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được sự cố môi trường
"Từ tháng 7-2016 đến nay, nước thải, khí thải của Formosa Hà Tĩnh trước khi xả ra môi trường đã đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn Việt Nam quy định và dần tiếp cận tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới", thứ trưởng TN-MT Võ Tuấn Nhân nói.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng Formosa đã khắc phục được những cố về môi trường - Ảnh: VĂN ĐỊNH
|
Sáng 24-7, Bộ TN-MT phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi hội thảo báo cáo kết quả thiết lập mô hình số trị, tính toán đánh giá xả nước thải sau khi xử lý của Formosa Hà Tĩnh.
Tại buổi hội thảo, thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết đơn vị này cơ bản đã hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý nước thải và đang thực hiện chuyển đổi công nghệ dập cốc từ ướt sang khô, đảm bảo quy chuẩn quốc tế đúng như cam kết với Chính phủ.
Theo ông Nhân, sau hơn 3 năm kể từ ngày xảy ra sự cố môi trường, đến nay Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được những sự cố và bảo đảm cho sự phát triển kinh tế và gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, hồ xử lý sinh học cải thiện chất lượng nước trước khi xả ra biển và phòng ngừa ứng phó các sự cố với nước thải với nhiều cấp độ khác nhau.
"Kết quả giám sát từ tháng 7-2016 đến nay, cho thấy nước thải, khí thải của Formosa Hà Tĩnh trước khi xả ra môi trường đã đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn Việt Nam quy định và dần tiếp cận tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới", ông Nhân khẳng định.
Một góc khu nhà máy Formosa Hà Tĩnh - Ảnh:VĂN ĐỊNH
|
Phía Formosa Hà Tĩnh cũng cho rằng hệ thống hồ sinh học đã phát huy tốt vai trò làm dung tích chứa để kiểm soát sự cố, cải thiện chất lượng nước, đảm bảo an toàn về môi trường trước khi xả nước thải ra biển, đồng thời góp phần quan trọng trong cải tạo cảnh quan sinh thái khu vực.
Theo báo cáo của Viện công nghệ Môi trường và Viện Cơ Học, trường hợp sự cố xấu nhất (sự cố xảy ra đối với hệ thống xử lý sinh hóa và sinh hoạt), cả hai phương án xả mặt và xả đáy đều xuất hiện vùng nước ô nhiễm vượt quy chuẩn, diện tích dưới 6 km2 xung quanh cửa xả.
Còn về chất lượng môi trường nước biển, cả hai phương án xả mặt và xả đáy đều đảm bảo cho vùng nước tiếp nhận và sự sai khác về nồng độ và diện tích lan truyền là nhỏ. Vì vậy, về mặt tác động môi trường đồng thời cân nhắc đến khía cạnh kinh tế, an toàn công trình, giao thông hàng hải, phương án duy trì đường ống xả thải ngầm là giải pháp tối ưu.
Trong trường hợp xảy ra sự cố dài ngày, khả năng vùng biển ô nhiễm nặng, (vượt quy chuẩn Việt Nam) trên diện rộng là có thể xảy ra. Vì vậy, cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra ngoài vùng biển nghiên cứu và các cơ sở xả thải được trang bị khả năng xử lý nhanh và hiệu quả sự cố xả thải.
VĂN ĐỊNH