Vietstock - An cư trước khi lạc nghiệp!
Trong Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia Việt Nam 2021, công bố vào tháng 10, Ngân hàng thế giới đã đưa ra nhận định “Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy Việt Nam có thể làm tốt trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, nhưng kém hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề thuộc cấu trúc”.
Ảnh minh họa
|
Họ dẫn chứng việc đối mặt với một đại dịch quốc gia, Chính phủ đã thực hiện một chính sách xét nghiệm, truy vết và cách ly Covid-19 hiệu quả nhất trên thế giới. Nhưng “khi đối mặt một vấn đề không cấp bách cũng không hữu hình - như tiêm chủng cho người dân - Việt Nam lại chưa thành công”.
Nhìn từ một số vấn đề thuộc lĩnh vực quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, cụ thể là hệ thống quy hoạch - xây dựng nhà ở đô thị, nhà lưu trú cho công nhân, người thu nhập thấp tại TP HCM đã bộc lộ không ít khiếm khuyết, bất cập ngay trong cơn đại dịch.
Còn nhớ, trung tuần tháng Tám, khi biến chủng Delta hung hãn tàn phá, sát thương đến tận khu dân cư, nhà trọ, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã ngay lập tức chỉ đạo bằng mọi giá, phải thực hiện chính sách giãn dân. Nghĩa là đưa dân cư đang âm tính, lành bệnh ở những khu xóm trọ, nhà ở san sát, chật hẹp, nằm sâu trong những con hẻm dưới 2m đến tạm cư ở các điểm cao ráo, thoáng đãng, sạch sẽ để bảo vệ bà con không bị lây nhiễm. Riêng tại phường 15, quận Bình Thạnh đã di tản 2,000 người trong 1 ngày, tiếp đến là ở quận 8, Bình Tân…
Rõ ràng, trước một cuộc khủng hoảng diện rộng lẫn “ngấm sâu trong cộng đồng” như Covid-19, bài toán quy hoạch nhà ở đô thị dành cho người lao động có thu nhập thấp, trong đó số đông là người lao động nhập cư hoàn toàn là một “biến số” bất khả. Chưa kể, đây cũng chính là những người nằm ngoài “dữ liệu an sinh”. Ở giai đoạn đầu bùng phát dịch, gói hỗ trợ an sinh lần 1 của thành phố hầu như không thể “chạm” đến nhóm đối tượng này.
Hoặc một thực trạng không kém phần khốc liệt: Khi dịch bệnh tấn công vào các nhà máy, phân xưởng sản xuất của các khu công nghiệp, khu chế xuất thì một trong những điểm yếu bị “quật ngã” đầu tiên đó chính là các khu nhà trọ, xóm trọ của công nhân, người lao động. Đa phần là ở ghép nên đông, chật chội. Lại trong điều kiện tối thiểu, thậm chí dưới mức tối thiểu để đảm bảo phòng chống lây nhiễm.
Mô hình phát triển kinh tế tập trung và ngành mũi nhọn, lợi thế thông qua mô hình khu công nghiệp - khu chế xuất - khu công nghệ cao là một điểm sáng vượt trội của TP HCM trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Nhưng, chỉ đến khi xảy ra và “ngấm đòn” bởi đại dịch Covid-19 mới thấy lỗ hổng khi thiếu đi sự quy hoạch đồng bộ trong “dây chuyền” từ khu vực sản xuất - tức nhà máy, xí nghiệp - đến khu vực lưu trú, sinh hoạt cho công nhân, người lao động cùng các chính sách bảo trợ rủi ro, dịch bệnh.
Chính điều này dẫn tới hệ quả, lòng tin của người lao động bị thử thách và việc duy trì nguồn cung lao động đã bị đứt gãy trong suốt thời gian cầm cự dịch, nhất là giai đoạn hậu dịch, phục hồi kinh tế.
Đó là lý do vì sao trong các cuộc làm việc với TP Thủ Đức (vào ngày 22-10), Khu Công nghệ cao TP HCM (vào ngày 10-11), với HEPZA ( Ban quản lý Các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP HCM vào ngày 11-11), người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đều đưa ra cam kết Thành phố sẽ cố gắng tạo quỹ đất ngắn hạn, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu làm nhà lưu trú cho công nhân tạm thời trong thời kỳ “sống chung với virus”. Về lâu dài, UBND TP đã có kế hoạch xây dựng nhà xã hội cho người thu nhập thấp - một chiến lược để ổn định cuộc sống người dân.
An cư trước khi lạc nghiệp - đó không chỉ là tập quán của người Việt mà còn là trách nhiệm, chức phận và cũng là phẩm hạnh của chính quyền thành phố trong việc thiết kế quy hoạch, triển khai xây dựng, đảm bảo vận hành hiệu quả về chính sách nhà ở, điều kiện hạ tầng sinh hoạt cho mọi người dân “cần và đủ” để sinh sống, thụ hưởng, lao động, đóng góp…
Quốc Học