Vietstock - Nhìn lại 2 tuần biến động điên cuồng trên Phố Wall
Trong suốt 2 tuần vừa qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh và chuẩn bị ghi nhận tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 1931. Nhà đầu tư cũng phải vật lộn với mức biến động lớn trên thị trường khi họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn.
S&P 500 có 6 phiên giảm hơn 1% trong giai đoạn này, 3 trong số đó là lao dốc hơn 2%. Đặt lên bàn cân so sánh, chỉ số S&P 500 chỉ có 8 lần tăng/giảm 1% trong cả năm 2017.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones có 7 lần tăng/giảm hơn 1%. Phạm vi biến động trong phiên cũng được nới rộng. Chỉ số Dow Jones đã có 8 phiên biến động ít nhất 548 điểm trong 9 phiên vừa qua, ghi nhận phiên tăng điểm kỷ lục trong ngày thứ Tư (26/12) và cũng là phiên đầu tiên tăng hơn 1,000 điểm. Chỉ số này khép phiên ngày thứ Sáu (28/12) giảm 76 điểm sau khi trồi sụt trong suốt phiên.
Đây cũng là tuần lên xuống thất thường đối với chỉ số Nasdaq Composite. Chỉ số này ghi nhận 5 phiên tăng/giảm ít nhất 2% trong 2 tuần qua.
“Tôi sẽ không sử dụng cụm từ lành mạnh” để mô tả những diễn biến này, Marc Chaikin, CEO của Chaikin Analytics, nhận định. “Tôi sẽ nói là nó khiến nhiều nhà đầu tư bực mình”.
Câu chuyện khởi đầu từ ngày 17/12/2018
Chuỗi ngày biến động điên cuồng trên Phố Wall bắt đầu từ ngày 17/12/2018, trong đó S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite đều rớt hơn 2%. Nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế và lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gây áp lực lên chứng khoán trong ngày hôm đó.
Vào ngày 19/12, nỗi lo sợ về Fed đã lên tới đỉnh điểm sau khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết ông không kỳ vọng Fed sẽ thay đổi chiến lược cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán. Những nhận định trên đẩy các chỉ số chính lao dốc thêm 2% nữa.
Sau đó, chứng khoán Mỹ lại giảm mạnh vì khả năng Chính phủ Mỹ bị đóng cửa ngày càng tăng. Quốc hội và chính quyền Donald Trump không thể tiến tới một thỏa thuận về việc tài trợ cho bức tường biên giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết bức tường biên giới là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, mặc dù những thành phần phản đối nghĩ rằng bức tường này sẽ chẳng giải quyết được vấn đề nhập cư đã đeo bám cả Mỹ và Mexico trong thời gian dài.
Những nỗi lo này đã kéo chỉ số S&P 500 lao dốc 7% trong tuần trước, còn Nasdaq Composite sụt 8.4%. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm 6.9%.
Và rồi cũng chính những nỗi lo này cũng dọn đường cho một Đêm vọng Giáng sinh (Christmas Eve) tồi tệ nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong ngày 24/12, cả Dow Jones và S&P 500 đều sụt hơn 2.5%, còn Nasdaq Composite hạ 2.2%. Ngoài ra, chỉ số S&P 500 cũng bước vào phạm vi thị trường con gấu trong ngày thứ Hai (24/12).
“Tôi nghĩ đây là cơn bão điên cuồng của những điều tiêu cực”, Chaikin cho hay. “Theo tôi, những gì chúng ta đang thấy là cuộc khủng hoảng niềm tin ở Washington. Đây là điều chưa từng có tiền lệ”.
“Đây là sự hoảng loạn cộng với nỗi sợ hãi. Khi bạn trong môi trường như thế này thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết khi nào mọi thứ sẽ xoay chiều”, ông nói thêm.
Ngoài ra, vẫn còn đó những bất ổn về kinh tế khi hàng loạt chỉ báo trước cho thấy dấu hiệu giảm tốc.
Vào ngày 14/12, IHS Markit cho biết chỉ số sản lượng tổng hợp của Mỹ giảm xuống 53.6 trong tháng 12/2018, mức thấp nhất trong 19 tháng. Chỉ số PMI dịch vụ và sản xuất công nghiệp của HIS Markit cũng rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm. Chỉ số này trên 50 cho thấy hoạt động kinh tế đang mở rộng.
“Thị trường đang bám víu lấy các chỉ báo kinh tế và lợi nhuận vững mạnh. Đó là tin tốt”, Dave Haviland, Đối tác quản lý tại Beaumont Capital Management, cho biết. “Thế nhưng, những chỉ báo tốt đó lại không thể lấn át những chỉ báo trước về kinh tế cực kỳ tệ hoặc suy yếu đáng kể tại Mỹ và những thành quả cực tệ ở nước ngoài”.
“Chúng ta có quá nhiều ‘nguyên liêu’ để định giá lại thị trường và đó cơ bản là những gì mà thị trường đang phải trải qua”, Haviland chia sẻ.
Và rồi thị trường trở mình
Đà giảm trong ngày thứ Hai (24/12) trông có vẻ đã được nới dài sang tới ngày thứ Tư (26/12), khi thị trường mở cửa hoạt động trở lại sau ngày Giáng sinh. Thế nhưng, sau khi giảm trong thời gian ngắn ngủi, thị trường cổ phiếu Mỹ bắt đầu “gượng dậy” và đồng loạt tăng mạnh. Kết quả là chỉ số Dow Jones có phiên tăng hơn 1,000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.
“Những gì diễn ra trong tuần qua là nhà đầu tư đã đẩy S&P 500 xuống ngưỡng 2,350 điểm”, Chaikin cho hay. “Thị trường tìm thấy ngưỡng hỗ trợ và bật tăng. Bạn có được đà tăng phi thường này khi khối lượng giao dịch trên đà tăng”.
Trong ngày thứ Năm (27/12), chứng khoán Mỹ lại tăng điểm sau khi Dow Jones có phiên lội ngược dòng ấn tượng nhất kể từ năm 2010. Chính những đà tăng này đã giúp các chỉ số chính ghi nhận tuần leo dốc đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2018. Thế nhưng, mặc dù chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong 2 phiên trước nhưng vẫn còn chưa rõ liệu mức đáy của tuần trước có phải là đáy của đợt lao dốc gần đây hay chỉ là “cú nảy của con mèo chết”.
“Tôi không chắc là thị trường đã chạm đáy hay chưa. Chúng tôi chỉ chắc là thị trường đã tạo đáy ngắn hạn ở đây và khi mức định giá rơi xuống mức đó thì nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề”, Maris Ogg, Chủ tịch tại Tower Bridge Advisors, cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)