Vietstock - Tháng 7, khối ngoại ra sao, Index thế nào?
Dù chưa quá tự tin nhưng những điểm sáng đến từ kết quả kinh doanh mùa báo cáo tài chính quý 2, tâm lý nhà đầu tư đang hồi phục cùng tình hình định giá về mức tương đối rẻ, chỉ số được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên trong tháng 7/2018.
Đây là nội dung được các diễn giả của CTCK Rồng Việt (VDSC, HOSE: VDS) đề cập trong buổi hội thảo Xu thế dòng tiền ngoại - Cơ hội và thách thức được tổ chức chiều ngày 19/07/2018.
Dòng tiền khối ngoại rút vốn vì yếu tố ngoại lai
Trao đổi tại hội thảo, ông Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Khách hàng Cá nhân của VDS nhận định rằng, khối ngoại là 1 trong những nhân tố chính khiến thị trường suy giảm trong giai đoạn vừa rồi. Bên cạnh đó thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, MSCI không nâng hạng, bất ổn chính trị Triều Tiên…
Thống kế về mặt số liệu cho thấy khối ngoại mới chỉ bán ròng trong tháng 7. Tuy nhiên, sau khi bóc tách hai giao dịch khủng của VHM trong tháng 5 và YEG trong tháng 6, ông Lân thấy rằng khối ngoại cũng bán ròng 2 tháng trước đó. Theo ông, khối ngoại vừa bán ròng vừa “đạp giá” trong giai đoạn vừa rồi khi họ bán mà không quan tâm đến định giá. Điển hình, các mã như VIC, HPG, MSN, VJC… dù được các CTCK lớn khuyến nghị tích cực vẫn bị bán ròng mạnh mẽ. Chính động thái này đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư khiến đà bán lan rộng kéo thị trường đi xuống.
Tuy nhiên, không có nhiều thông tin giao dịch của các quỹ ngoại được công bố trong giai đoạn này. Vậy câu hỏi đặt ra: "Ai là người bán?"
Ông Lân cho hay, khối ngoại cũng có nhiều loại. Theo thống kê của UBCKNN, hiện có 25 quỹ ngoại đang đăng ký ở Việt Nam nhưng thực chất có trên 100 quỹ ngoại đang giao dịch mà không khai báo trên thị trường. Các quỹ ngoại giao dịch trên thị trường Việt Nam với giá trị không đủ thay đổi tỷ lệ sở hữu 1% để công bố thông tin chính là nhân tố bán ròng chính trên thị trường.
Nói về nguyên nhân dịch chuyển của dòng vốn ngoại, ông Mark Djandji - Giám đốc Khối môi giới khách hàng tổ chức của VDS nhận định, việc dòng tiền ngoại rút ra khỏi thị trường Việt Nam chủ yếu là do các nhân tố ngoại lại như chiến tranh thương mại hay đồng USD mạnh lên.
Chuyên gia người nước ngoài của VDSC trao đổi tại buổi hội thảo, ông Bernard Lapointe (trái) và ông Mark Djandji
|
Còn về yếu tố nội tại, ông Mark cho rằng thị trường Việt Nam đã tăng trưởng khá nóng và định giá thị trường đã lên mức quá cao. Theo đó, các quỹ ngoại sẽ thực hiện cơ cấu danh mục để chuyển dòng vốn về thị trường có định giá rẻ hơn. Đồng thời, khi nhìn lại 15 tháng gần đây, dòng tiền nóng của nhà đầu tư ngoại rót mạnh vào thị trường Việt Nam và chính dòng tiền nóng này cũng nhanh chóng rút ra khỏi thị trường.
Điểm quan trọng là số vốn này có tỷ trọng nhỏ so với quy mô của các quỹ trong khi lại khá lớn khi so với quy mô thị trường Việt Nam. Chính hoạt động đầu tư và tái cơ cấu để chuyển vốn các thị trường có định giá thấp và an toàn hơn của các quỹ đã có ảnh hưởng mạnh tới thị trường Việt Nam.
VN-Index có về lại 1,000 điểm?
Tại hội thảo, ông Lân chia sẻ thêm, thời điểm 2 tháng trước khi thị trường ngấp nghé mức 1,200 điểm, ông rất tự tin khẳng định chỉ số sẽ vượt mốc 1,200. Nhưng tại giai đoạn này, ông không thể tự tin rằng thị trường sẽ về lại mốc 1,000 điểm.
Dù vậy, vẫn có những điểm sáng trên thị trường. Đầu tiên là tin tốt trong mùa báo cáo tài chính quý 2 sẽ được công bố trong tháng 7 sẽ hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư đang hồi phục khi nhiều mã large cap tăng điểm trở lại với thanh khoán dần cải thiện. Đồng thời, với tình hình định giá về mức tương đối rẻ, ông Lân cùng VDS vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, ông Lân nhấn mạnh rằng cần một yếu tố hỗ trợ tiên quyết khác là tình hình thế giới không biến động đáng kể.
Về khối ngoại, ông Lân đánh giá có thể họ sẽ tiếp tục bán ròng nhưng kịch bản sẽ lạc quan hơn khi lực bán không mạnh như những tháng trước. Thời gian này tin tức kinh tế tài chính thế giới nhất là từ Mỹ sẽ quyết định khối ngoại giao dịch thế nào. Ông Lan cũng kỳ vọng các quỹ ngoại lớn sẽ xem xét giải ngân trong mùa báo cáo tài chính quý 2 khi phân tích mô hình tăng trưởng mới của các doanh nghiệp.
Chí Kiên