Vietstock - Venezuela chìm sâu vào khủng hoảng, lạm phát hơn 4,000%
Đồng nội tệ của Venezuela gần như vô giá trị và cuộc khủng hoảng tiền mặt chỉ có ngày càng tồi tệ hơn.
Quốc gia này đang chìm sâu vào vòng xoáy thảm họa nhân đạo (được hiểu là tình trạng nguy cấp đáng sợ về sự thiếu thốn trong cứu giúp nhân đạo) do các chính sách kinh tế của Chính phủ khiến giá đồng Bolivar tụt dốc và giá hàng hóa ngày càng leo thang. Tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thuốc men được ghi nhận ở khắp quốc gia Venezuela.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, đồng Bolivar đã mất 96% giá trị. Tính tới ngày thứ Ba, để đối lấy 1 đồng USD thì cần tới 84,000 đồng Bolivar. Trong khi đó, tại thời điểm đầu tháng này, 1 đồng USD chỉ có giá 41,000 Bolivar. Còn tại thời điểm đầu năm 2017, chỉ cần 3,100 đồng Bolivar là có thể đổi được 1 đồng USD, dữ liệu từ trang web theo dõi tỷ giá không chính thức DolarToday cho thấy.
Hàng triệu người dân Venezuela theo dõi trang web DolarToday hoặc một trang web khác là Paralelo Venezuela để tìm hiểu xem cần bao nhiêu tiền để mua hàng hóa trong cửa hàng tạp hóa. Vì lạm phát tăng quá nhanh, tỷ giá chính thức từ Chính phủ Venezuela cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Steve Hanke, Giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins và là chuyên gia về siêu lạm phát, cho hay lạm phát ở Venezuela đã lên tới con số 4,115% so với cùng kỳ năm trước. Cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn kể từ khi Chính phủ Venezuela vỡ nợ.
* Venezuela: Hành trình từ đất nước giàu có cho đến lúc bị vỡ nợ
Venezuela đã không thể thanh toán phần lãi coupon 200 triệu USD đối với các trái phiếu toàn cầu. Kết quả là S&P đã tuyên bố Venezuela rơi vào trường hợp “vỡ nợ có chọn lọc” (selective default), và có xác suất 50% rằng quốc gia này có thể vỡ nợ thêm một lần nữa trong vòng 3 tháng tới.
Chưa hết, Fitch Ratings cũng hạ bậc công ty dầu mỏ quốc doanh của Venezuela PDVSA.
“Nền kinh tế đang trong vòng xoáy sụp đổ hoàn toàn. Tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong 2 tuần vừa qua”, ông Hanke cho hay.
Các ước tính khác thì cho ra con số thấp hơn của ông Hanke. Cụ thể, công ty nghiên cứu Ecoanalitica ước tính, trong tháng 10, giá hàng hóa đã tăng khoảng 1,430% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10 vừa qua, giá tại các khách sạn và nhà hàng vọt 70% so với tháng trước đó.
Vật giá leo thang đã buộc người dân Venezuela phải xếp hàng chờ hàng giờ đồng hô trước các máy ATM và siêu thị. Và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới.
Cả Chính phủ và công ty dầu quốc doanh PDVSA đều bị tuyên bố vỡ nợ. Nếu sau này xảy ra thêm nhiều trường hợp vỡ nợ khác, nhà đầu tư có thể tổ chức và giành lấy tài sản giá trị duy nhất của Venezuela – dầu – ở Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ làm Chính phủ Venezuela mất đi nguồn tiền mặt chính cần thiết để nhập khẩu thực phẩm và thuốc men.
Đầu tháng 11/2017, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã yêu cầu tái cấu trúc khoản nợ quốc gia. Chính phủ và PDVSA nợ các trái chủ hơn 60 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương nước này chỉ có gần 10 tỷ USD trong dự trữ. Được biết, lượng dự trữ của NHTW đã giảm dần trong vài năm vừa qua vì phải trả nợ.
Chưa hết, Venezuela còn nợ các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc. Theo một phân tích của Moody's Investor Service, Venezuela nợ tổng cộng khoảng 141 tỷ USD với các trái chủ, Nga, Trung Quốc, nhà thầu và các công ty cung cấp dịch vụ dầu.
* Tương lai nào cho người nắm giữ trái phiếu khi Venezuela vỡ nợ?
Và bằng một cách nào đó, Quốc gia Nam Mỹ này đã giành được sự hỗ trợ từ phía Nga. Cụ thể, trong ngày thứ Tư, Moscow đã tuyên bố đồng ý tái cấu trúc khoản nợ 1.35 tỷ USD của Venezuela.
Một trong những chủ nợ là Trung Quốc cho biết họ tin vào khả năng trả nợ của Venezuela.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)