Vietstock - Mỹ, Nhật Bản và Australia cùng chung tay đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương
Mỹ, Nhật Bản và Australia đã nhất trí đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong một động thái nhằm đối đầu với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở một khu vực trải dài từ bờ Đông của châu Phí cho tới Australia đến Hawaii ở Thái Bình Dương.
“Mối quan hệ 3 bên này là nhằm công nhận rằng cần thêm sự hỗ trợ để tăng cường hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Julie Bishop, cho biết trong một tuyên bố bằng email vào ngày thứ Ba (31/07). Thỏa thuận này sẽ huy động vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, vận tải, du lịch và công nghệ, theo thông tin từ tuyên bố trên, nhưng lại không đề cập tới thông tin chi tiết của nguồn vốn.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Julie Bishop
|
Tuyên bố này được đưa ra khi trong tháng 12/2018, Cơ quan Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi những chính sách nhằm đáp trả lại các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của cường quốc đối thủ. Đáng nói nhất là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình. Đây là một kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, đường ống và nhà máy điện trên toàn cầu – một kế hoạch mà Morgan Stanley dự báo có thể tăng trưởng lên tới 1.3 ngàn tỷ USD trong thập kỷ kế tiếp.
Sự hợp tác cơ sở hạ tầng giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ khớp với các chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump – trong đó Mỹ đang cạnh tranh chiến lược và dài hạn với Trung Quốc và Nga. Kế hoạch BRI của Bắc Kinh kêu gọi khoảng 500 tỷ USD để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng dọc theo các tuyến đường thương mại với Trung Quốc – vốn được kỳ vọng sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trước năm 2030.
Trước khi viếng thăm Trung Quốc trong tháng 11, ông Trump đã ký kết hai thỏa thuận với Nhật Bản, cam kết hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Phát biểu trong ngày thứ Hai (30/07) trước chuyến đi tới châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết, Mỹ tin vào “quan hệ đối tác chiến lược chứ không phải là sự phụ thuộc chiến lược” – một lời chỉ trích nhắm thẳng tới những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lôi kéo các quốc gia với khoản tài trợ giá rẻ vào các dự án cơ sở hạ tầng.
“Với các công ty Mỹ, những cư dân trên khắp thế giới biết rằng những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được: Những hợp đồng chân thực, điều khoản chân thực và không cần phải những điều khoản bên ngoài vô lý”, ông Pompeo cho hay.
Stephen Kirchner, Giám đốc phụ trách chương trình thương mại và đầu tư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney, cho hay, ông Pompeo có khả năng đưa ra tuyên bố về các thương vụ dàn xếp vốn của thỏa thuận này trong suốt chuyến viếng thăm tới châu Á – bao gồm Malaysia, Singapore và Indonesia.
“Thỏa thuận này được thiết kế để cung cấp cơ chế mà theo đó sẽ cho phép có thêm nhiều nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng mà các quốc gia trong khu vực này cần tới”, ông Kirchner cho hay. Điều này có nghĩa là thỏa thuận sẽ hoạt động theo cách khác biệt so với các quỹ lâu đời như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông nói thêm.
Trong tháng 2/2018, Bishop cho biết ba quốc gia này, cùng với Ấn Độ, đã bàn luận về các cơ hội để giải quyết nhu cầu to lớn về cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, vốn bao gồm một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới cũng như các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Ấn Độ không được đề cập tới trong tuyên bố ngày thứ Ba (31/07). Thay vào đó, thỏa thuận này sẽ được dàn xếp bởi Overseas Private Investment Corp. của Mỹ, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Bộ Ngoại giao và Thương mại của Australia.
“Mối quan hệ hợp tác này đại diện cho cam kết của chúng tôi với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng”, ba quốc gia cho biết trong tuyên bố chung công bố trong ngày thứ Hai (30/07). Mối quan hệ hợp tác ba bên sẽ được hợp thức hóa theo đúng trình tự, Bishop nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)