Vietstock - "Cần dừng tạm nhập tái xuất đường"
Đường trong nước đang tồn kho lớn rất khó khăn khi tiêu thụ, vì vậy rất cần khơi thông cửa xuất khẩu. ...
Các nhà máy mía đường hiện đang tê liệt sản xuất vì không tiêu thụ được sản phẩm, lại bị đường tạm nhập tái xuất chèn ép không xuất khẩu được
|
Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đường bắt tay với lực lượng chức năng cửa khẩu Trung Quốc để được ưu tiên chỉ đường tạm nhập tái xuất đi qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất mía đường trong nước, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết.
Xin ông cho biết nội dung văn bản khẩn cấp mà Hiệp hội Mía đường vừa trình lên Thủ tướng?
Trước đây, Nhà nước đã cấp phép cho một số doanh nghiệp tạm nhập tái xuất 220.000 tấn đường đến thời hạn 31/12/2017.
Chủ trương của Chính phủ đã được thống nhất bởi các bộ, ngành là từ tháng 1/2018 trở đi sẽ không cho tạm nhập tái xuất sản phẩm đường. Song mới đây, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Thủ tướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai đến hết ngày 31/12/2019.
Hiệp hội Mía đường trình Thủ tướng đề nghị: đối với số lượng đường còn lại trong giấy phép tạm nhập tái xuất, không xem xét gia hạn theo kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Công Thương. Hoạt động xuất khẩu đường tại các cửa khẩu phụ ở Lào Cai nên để ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.
Đối với lượng đường đã tạm nhập về mà đến nay chưa tái xuất được (hiện tồn kho ở Lào Cai khoảng gần 40.000 tấn), đề nghị thực hiện đúng Khoản 4, Điều 11, Chương 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Có nghĩa là, lượng hàng này buộc phải xuất trả trở lại nước ban đầu.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Bộ Công Thương chỉ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra đánh giá việc thực hiện tạm nhập tái xuất đường đã được cấp phép đến hết 31/12/2017.
Hoạt động tạm nhập tái xuất đường ảnh hưởng như thế nào đến ngành mía đường nước ta, thưa ông?
Đường trong nước đang tồn kho lớn rất khó khăn khi tiêu thụ, vì vậy rất cần khơi thông cửa xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ có con đường xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và rất khó khăn.
Từ năm 2012, phía Trung Quốc cho phép ta đưa sản phẩm đường tiểu ngạch qua duy nhất cửa khẩu phụ Bản Vược ở tỉnh Lào Cai.
Cụ thể: năm 2012 xuất đi được 52.000 tấn; năm 2013 là 174.791 tấn; năm 2014 được 182.402 tấn; năm 2015 xuất 86.890 tấn. Năm 2016 hầu như không xuất được tấn đường nào qua các cửa tiểu ngạch. Năm 2017, một số cửa khẩu phụ của Trung Quốc biên giới với Lào Cai gồm Mường Khương, Bản Vược, Na Lốc, Lũng Pô và Bản Quẩn mở cửa trở lại cho sản phẩm đường đi qua.
Thế nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất tiểu ngạch được 2.500 tấn đường do đường trong nước bị hàng tạm nhập tái xuất cạnh tranh quyết liệt nên rất khó xuất khẩu. Hoạt động tạm nhập tái xuất đường không đem lại lợi ích gì cho nước ta: không nộp thuế VAT, không tạo việc làm cho người dân...
Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đường bắt tay với lực lượng chức năng cửa khẩu Trung Quốc để được ưu tiên chỉ đường tạm nhập tái xuất đi qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất mía đường trong nước.
Đã đến hạn thực thi cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng đường. Thưa ông, hoạt động tiêu thụ đường thời điểm này thế nào?
Niên vụ sản xuất 2018/2019 đã vào vụ hơn 2 tháng, nhưng lượng đường tồn kho của niên vụ cũ vẫn còn 200.000 tấn, thêm gần 100.000 tấn của niên vụ sản xuất mới. Tiêu thụ đường rất chậm, vì những đối tác tiêu thụ đường ngừng nhập hàng, trông chờ thời điểm thực thi ATIGA (1/1/2018) thuế nhập khẩu đường khu vực ASEAN xuống 0% mới mua hàng.
Thời điểm này, toàn ngành mía đường đang vô cùng khó khăn, nhiều nhà máy đã phải bán bằng giá đường nhập lậu, tức là dưới giá thành và chấp nhận lỗ, nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Đã có nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Trong khi giá mua mía cho nông dân vẫn bằng niên vụ 2016/2017 vì chính quyền các địa phương can thiệp không cho hạ giá thu mua mía, thậm chí họ còn yêu cầu các nhà máy phải mua cao hơn năm trước.
Để tháo gỡ khó khăn, xét đề nghị của Hiệp hội Mía đường, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình lên Chính phủ, kiến nghị lùi thời gian thực hiện ATIGA đối với mặt hàng đường đến năm 2020 và khả năng sẽ được Thủ tướng phê chuẩn trong vài ngày nữa.
Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng đang muốn tạm dừng ATIGA đối với mặt hàng đường, nên hành động này của nước ta sẽ không bị các nước phản đối. Khi có quyết định của Chính phủ, các đối tác tiêu thụ đường sẽ không còn hy vọng chờ, họ sẽ phải mua đường, lúc đó ngành mía đường mới tiêu thụ được sản phẩm.
Ông có những kiến nghị gì về chính sách đối với ngành mía đường?
Trước hết, Hiệp hội Mía đường đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cho ra đời Quỹ Hỗ trợ ngành mía đường. Kinh phí của quỹ chủ yếu do các doanh nghiệp mía đường tự đóng góp, nhưng hiệp hội chỉ xin 20% khoản tiền từ việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đưa vào quỹ này để làm vốn mồi ban đầu, thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phê duyệt đề án tổ chức hệ thống giống mía 3 cấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Mía đường để đảm bảo hành lang pháp lý cho ngành phát triển, đồng thời sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành mía đường.
Chu Khôi