Vietstock - Hoạt động ngân hàng tiếp tục khả quan
Nhiều NHTM đã và đang tái cấu trúc đạt được nhiều bước tiến và thành công.
Sau một năm 2017 tương đối thành công, quá trình tái cấu trúc hệ thống NH được kỳ vọng sẽ còn diễn ra mạnh mẽ và thuận lợi hơn từ năm 2018 trở đi nhờ những cải thiện mới về quy định pháp lý cũng như các hỗ trợ từ phía NHNN.
Luật Các TCTD sửa đổi kỳ vọng sẽ giúp quá trình tái cơ cấu NH diễn ra mạnh mẽ và thuận lợi hơn
|
Năm 2017, thị trường TC-NH nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định; tín dụng cải thiện, nhất là về chất lượng và hướng vào các lĩnh vực ưu tiên; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh; lợi nhuận của các NH cũng tích cực hơn…
Theo đánh giá mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chất lượng tài sản hệ thống TCTD có nhiều cải thiện, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2017 giảm mạnh so với cuối năm 2016. Cơ quan này cũng dự báo năm 2018, kết quả kinh doanh hệ thống sẽ tiếp tục khả quan, thanh khoản ổn định, các TCTD yếu kém có chuyển biến tích cực, hoạt động xử lý nợ xấu sẽ diễn ra tích cực và thực chất hơn.
Trong bối cảnh tích cực đó, tái cấu trúc hệ thống NH cũng có những chuyển biến đáng khích lệ. Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định: “Ngay cả các NHTMCP trong diện tái cấu trúc, các NH được coi là tương đối nhỏ và yếu cũng có những tiến bộ vượt trội. Có những NH đã đạt được lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro ở mức khá ấn tượng”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH sẽ tiếp tục được NHNN tập trung trong năm nay và những năm tiếp theo, qua đó từng bước ổn định và lành mạnh hóa hệ thống một cách lâu dài.
Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều NHTMCP đã và đang tái cấu trúc đạt được nhiều bước tiến và thành công lớn. Trường hợp của NHTMCP Quốc dân (NCB) là một ví dụ.
Thời gian qua, NH này đã cơ cấu lại cổ đông và bộ máy quản lý theo hướng bổ sung thêm những lãnh đạo chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực NH. Song song với đó, NCB cũng mạnh tay đầu tư nền tảng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hồ sơ khách hàng giúp cải thiện hình ảnh, tạo niềm tin và thu hút thêm khách hàng. Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tính đến thời điểm này, NCB đã đạt được những kết quả quan trọng, các chỉ tiêu đều tăng mạnh so với năm trước.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong quá trình tự tái cấu trúc, tổng tài sản của nhà băng này hiện đã tăng lên gấp 3 lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 25-30%; huy động và cho vay tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước tái cấu trúc; nợ xấu giảm từ trên 5% xuống mức dưới 2% thời điểm hiện tại.
“Đây là một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế tiến vào thị trường NH. Theo tôi được biết, NCB kể từ khi tái khởi động lại việc tìm kiếm cổ đông chiến lược với sự tư vấn của một NH đầu tư hàng đầu của Mỹ, đã có rất nhiều định chế tài chính quốc tế quan tâm và đang bước vào giai đoạn cuối lựa chọn NĐT để đàm phán. Trong cuối năm 2017, đã có 2 NĐT gửi thư đề xuất (LOI) và một trong số đó đã cùng NCB có buổi gặp mặt báo cáo trực tiếp với NHNN”, ông Nghĩa thông tin.
Thực tế, thị trường TC-NH của Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong vài tháng vừa qua, có nhiều NH nội cho biết đã có nhiều quỹ và NH nước ngoài đàm phán sở hữu cổ phần của họ. TPBank, VPBank là những ví dụ và danh sách ấy đang ngày càng dài thêm.
Các chuyên gia cho rằng, quá trình tái cấu trúc thậm chí sẽ còn diễn ra mạnh mẽ và thuận lợi hơn từ năm 2018 trở đi nhờ những cải thiện mới về quy định pháp lý cũng như các hỗ trợ từ phía NHNN. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (có hiệu lực từ ngày 15/1/2018).
Chuyên gia TC-NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Luật Các TCTD sửa đổi thể hiện bước ngoặt trong việc quản lý, điều hành hệ thống NHTM. “Luật này sẽ góp phần giúp cho hoạt động tái cơ cấu hệ thống NH diễn ra nhanh hơn, giúp các NH đang tái cơ cấu sớm hoàn thành mục tiêu của mình”.
Đây được coi là yếu tố quan trọng, có tính lâu dài và quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Qua đó góp phần phát triển kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn trước, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Các chuyên gia cũng tin tưởng, với những quy định mới và việc áp dụng Basel II trong thời gian sắp tới, những NH hiện tại hoạt động hiệu quả và đang tái cơ cấu sẽ càng có thêm cơ hội, sự hỗ trợ để tiến vào hàng ngũ NH mạnh, có khả năng vươn ra những thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Việc các NH hoạt động lành mạnh, phát triển tốt trong nước và tiến ra quốc tế cũng là tiền đề cho an ninh tiền tệ quốc gia và sự an toàn cho người gửi tiền.
Đỗ Lê