Vietstock - Morgan Stanley: Làn sóng bán tháo cổ phiếu Hồng Kông còn lâu mới chấm dứt
Đừng vội bắt đáy trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Đây là nhận định của các chiến lược gia tại Morgan Stanley – những người vừa giảm mục tiêu 12 tháng của chỉ số Hang Seng bớt 10% xuống còn 27,200 điểm. Dự báo mới của các chiến lược gia này đồng nghĩa với việc chỉ số Hang Seng phải lao dốc 18% so với mức đỉnh tháng 1/2018 – gần bước vào phạm vi của thị trường con gấu. Hôm thứ Tư (20/06), chỉ số này khép phiên ở mức 29,696 điểm.
Đà tăng của lãi suất, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ và tình hình căng thẳng thương mại ngày càng tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc là những yếu tố đe dọa tới tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp ở châu Á, theo Morgan Stanley. Mặc dù các chiến lược gia này hạ mục tiêu của 6 chỉ số chính trong khu vực châu Á, nhưng Hồng Kông được cho là cực kỳ dễ tổn thương vì sự tương quan với chính sách tiền tệ Mỹ và sự phụ thuộc của các công ty Hồng Kông vào Trung Quốc về lợi nhuận.
“Chúng tôi nghĩ chỉ số Hang Seng đang gặp nguy cơ giảm mạnh trong thời gian tới”, các chiến lược gia viết trong báo cáo hôm thứ Tư (20/06). “Tại thời điểm này, nhà đầu tư nên tập trung cao độ vào việc giảm bớt tỷ trọng đầu tư cổ phiếu ở Hồng Kông”.
Trong ngày thứ Tư (20/06), chỉ số Hang Seng tăng 0.8%, chấm dứt chuỗi lao dốc 4 phiên liền, đánh dấu một sự hồi phục ngắn ngủi từ một cơn sóng bán tháo đã “cuốn trôi” toàn bộ thành quả của năm 2018. Đồng Nhân dân tệ cũng chấm dứt chuỗi 2 ngày giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, sau khi các nhà hoạch định chính sách lập tỷ giá cố định hàng ngày ở mức cao hơn dự báo.
Mới hôm qua, Nomura đã đưa ra bản cập nhật mới nhất của các chỉ báo sớm về nguy cơ khủng hoảng tài chính, trong đó cho thấy các thị trường mới nổi đang có nguy cơ khủng hoảng tài chính cao hơn nhiều so với các thị trường phát triển, và Hồng Kông gặp nguy cơ khủng hoảng cao nhất.
Các chuyên gia kinh tế này phát hiện ra rằng có 5 chỉ báo chính xác nhất trong việc dự báo về khủng hoảng tài chính trong giai đoạn 12 quý tới là:
Đánh giá dựa trên 60 tín hiệu đáng tin cậy nhất, Nomura quả quyết rằng một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc sự sụt giảm nhu cầu nội địa thường xảy ra đối với những quốc gia có ít nhất là 30 tín hiệu cảnh báo trên. Hồng Kông có tới 52 tín hiệu, còn cao hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Tính tới lúc 11h10 ngày thứ Năm (21/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng quay đầu suy giảm 181.01 điểm (tương ứng 0.61%). Còn chỉ số Shanghai Composite lùi 5.92 điểm (tương ứng 0.2%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 11h10 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)