Vietstock - Doanh thu bán điện tăng gần 9%, EVN có lãi
Không tiết lộ cụ thể lợi nhuận năm 2017 nhưng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty mẹ EVN và cả chín tổng công ty đều có lãi.
Lãnh đạo EVN cho biết doanh thu bán điện tăng gần 9%, EVN năm nay có lãi. Ảnh: N.AN
|
Thông tin được ông Võ Quang Lâm, phó Tổng giám đốc EVN, đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 sáng ngày 4-1 tại Hà Nội.
Theo ông Lâm, năm 2017 EVN gặp nhiều khó khăn do tình hình thiên tai, biến động bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện trên 600 tỷ đồng.
Chưa kể, một số chi phí đầu vào tăng, như: tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng và từ tháng 3/2017 giá than tiếp tục tăng... tác động đến chi phí kinh doanh.
Mặc dù vậy, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt kế hoạch. Cụ thể, điện sản xuất và mua ước đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016; riêng điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.
Doanh thu bán điện tăng
Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2017 ước đạt 293.180 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện là 289.250 tỷ đồng, tăng 8,94% so với năm 2016. Nộp ngân sách là 15.870 tỷ đồng.
Năm 2017, EVN cũng tiết kiệm được 1.255 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh. Nhờ có nguồn thủy văn dồi dào, sản lượng huy động thủy điện tăng với 20,7 tỷ kWh và giảm huy động các nguồn nhiệt điện dầu 2 tỷ kWh, giúp EVN giảm giá thành điện và chi phí mua điện.Cũng theo ông Võ Quang Lâm, tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 7,47% giảm được 0,13% so với kế hoạch. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện chung đạt 1,92 triệu kWh/người, tăng 9,0% so với năm 2016.
Đối với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, EVN cho biết đối với ba Tổng công ty phát điện phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12-2017, đang hoàn thành thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp. Tập đoàn cũng thoái, giảm vốn tại 8 công ty cổ phần với giá trị thu về 386,58 tỷ đồng, thặng dư 117,0 tỷ đồng.
Lãnh đạo EVN cho biết năm 2018 sẽ tập trung vào việc "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực". Mục tiêu điện sản xuất và mua: 210,49 tỷ kWh tăng 9,38% so với năm 2017, sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu EVN phải tái cấu trúc tập đoàn, minh bạch chi phí giá thành. Ảnh: N.AN
|
Nguy cơ thiếu điện miền Nam
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết năm 2017 EVN là tập đoàn chủ lực trong cung ứng đủ điện cho tiêu dùng, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, triển khai tích cực xây dựng các dự án, tái cấu trúc, thoái vốn khỏi những ngành nghề không có lợi thế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...
Bên cạnh mặt tích cực, Phó thủ tướng chỉ rõ vẫn còn những thách thức lớn. Đó là tốc độ tăng trưởng nguồn điện rất lớn, song vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện môi trường là yêu cầu đặt ra, nên cần phải hướng tới nguồn điện sạch, thân thiện môi trường...
Ngành điện cũng chịu sức ép lớn do mất cân đối cung cầu từng khu vực, từng ngành, nên Phó thủ tướng cho rằng cần phải cơ cấu nguồn điện cho phù hợp với nhu cầu phụ tải, xây dựng hệ thống kết nối đường dây.
"Nguy cơ từ năm 2018 trở đi nếu không đưa dự án trọng điểm phía Nam đúng tiến độ thì khả năng thiếu điện cục bộ. Trong khi đó, phát triển nguồn điện gặp khó khăn, do vướng phải những yêu cầu bảo lãnh Chính phủ, nên nếu không có cơ chế chính sách phù hợp thì không đảm bảo đầu tư, nguồn điện", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu ngành điện đi trước một bước, cung cấp đủ điện đáp ứng yêu cầu kinh tế xã hội, từng bước hình thành điện cạnh tranh, giá bán điện theo kinh tế thị trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm... nên cần phải tái cấu trúc đầu tư, doanh nghiệp để quản lý hiệu quả hơn.
Với vai trò là tập đoàn nhà nước trụ cột trong cấp điện, Phó thủ tướng yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp làm, tham mưu Bộ Công thương, Chính phủ về quy hoạch điện, tránh tình trạng làm quy hoạch phong trào, chất lượng thấp mà không phù hợp phát triển.
N.AN