Vietstock - “Thế lực” 4,5 nghìn tỷ USD của Fed đang ảnh hưởng đến thị trường như thế nào?
Việc Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán 4,5 nghìn tỷ USD đã góp phần khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh gần đây...
Chủ tịch FED Jerome Powell.
|
Những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua được nhắc đến nhiều hơn cả trên các dòng tít báo. Nhưng đằng sau đó, một "cuộc thử nghiệm" 4,5 nghìn tỷ USD của ngân hàng trung ương này cũng là "thế lực" quan trọng gây biến động thị trường tài chính toàn cầu - theo trang CNN Business.
Để vực dậy nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Fed vào năm 2008 khởi động một chương trình chưa từng có tiền lệ là mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng nợ địa ốc. Được biết đến với tên gọi nới lỏng định lượng (QE), chương trình này nhằm mục đích hạ lãi suất vay vốn trong dài hạn. "Theo chân" Fed, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới cũng triển khai QE.
QE, "cú huých" cho chứng khoán
Dù các chuyên gia kinh tế còn nhiều tranh cãi về tác dụng thực sự của QE đối với nền kinh tế, chính sách này đã trở thành một "cú huých" mạnh mẽ đối với thị trường chứng khoán.
Vào tháng 10/2017, Fed quyết định rằng cuối cùng thì nền kinh tế Mỹ cũng đủ mạnh để Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán đã lên tới 4,5 nghìn tỷ USD, đồng nghĩa với việc Fed sẽ bắt đầu bán ra số tài sản đã mua vào. Đảo ngược QE, chương trình có tên thắt chặt định lượng (QT) đã được nâng lên quy mô 50 tỷ USD mỗi tháng vào quý 4/2018 - đúng thời điểm mức độ biến động của thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu tăng mạnh.
Nhiều nhà quan sát tin rằng việc Fed giảm quy mô bảng cân đối kế toán - hiện đã giảm 500 tỷ USD so với đỉnh - ít nhất đã góp phần vào biến động của thị trường thời gian qua.
"Đúng lúc Fed bắt đầu thắt chặt định lượng, thị trường chứng khoán toàn cầu có sự biến động mạnh hơn. Chắc chắn có một sự liên hệ ở đây", nhà đầu tư huyền thoại Jeff Gundlach, người sáng lập công ty quản lý quỹ đầu tư DoubleLine Capital, nhận định.
Các ngân hàng trung ương, gồm Fed, đã mua vào tổng cộng 9,1 nghìn tỷ USD tài sản trong thời gian 2010-2017, theo dữ liệu của Bank of America Merrill Lynch. Các chương trình QE này khuyến khích giới đầu tư rót mạnh tiền vào các quỹ tín dụng, giúp hạ chi phí vay vốn và đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh.
Nhưng xu hướng mạnh mẽ này đã bị đảo ngược trong 2018, khi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm kể từ khủng hoảng tài chính, theo Bank of America. Và kết quả không có gì đáng ngạc nhiên: thị trường chứng khoán Mỹ có năm giảm điểm tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ.
Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường trái phiếu "rác" (junk bond - trái phiếu không được khuyến nghị đầu tư) rơi vào tê liệt. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy tháng 12 vừa qua đánh dấu tháng đầu tiên không có một đợt phát hành trái phiếu lợi suất cao nào ở Mỹ kể từ tháng 11/2008.
"Chúng tôi rất tin chắc rằng thanh khoản và tín dụng là ‘chất kết dính’ cho thị trường giá lên (bull market)", ông Michael Harnett, chiến lược gia trưởng của Bank of America, viết trong một báo cáo hồi tháng 12.
QT gây xáo trộn
Tổng thống Donald Trump đã tỏ thái độ bất bình về QT. "Đừng làm cho thị trường trở nên thiếu thanh khoản hơn nữa", ông Trump viết trong một thông điệp gửi đến Fed thông qua mạng xã hội Twitter vào hôm 18/12. "Hãy dừng lại ở mức 50 tỷ USD (mỗi tháng). Hãy cảm nhận thị trường, đừng chạy theo những con số vô nghĩa".
Tất nhiên, đợt sụt giảm gần đây của thị trường tài chính toàn cầu không hoàn toàn do QT gây ra.
Làn sóng bán tháo còn là kết quả của nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và lo ngại rằng Fed tăng lãi suất nhanh hơn khả năng "chịu tải" của nền kinh tế. Khi những yếu tố này được cải thiện, thị trường chứng khoán toàn cầu đã khởi sắc thời gian gần đây.
"Nếu điểm lại tất cả những nhân tố khiến thị trường sụt giảm, tôi cho rằng Fed chính là ‘nghi phạm’ số 1", ông Ed Yardeni, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Yardeni Research, nhận định.
Theo vị chuyên gia này, Fed khiến giới đầu tư lo ngại khi vừa tăng lãi suất, vừa triển khai QT. "Làm cả hai việc này cùng lúc đã ‘phản đòn’ Fed, buộc họ phải tính đến khả năng tạm dừng nâng lãi suất", ông Yardeni nói.
Thời gian qua, Phố Wall đã trở nên rất nhạy cảm với những thông tin về QT.
Hôm 19/12, thị trường đã phản ứng mạnh với cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Đặc biệt, giới đầu tư hoảng hốt với tuyên bố của ông Powell rằng việc bán tài sản theo QT sẽ tiếp tục theo "chế độ tự động". Chỉ số Dow Jones đã đóng cửa với mức sụt giảm 352 điểm trong phiên giao dịch hôm đó.
Mối lo lớn đến nỗi ông Powell sau đó phải thể hiện một quan điểm mềm mỏng hơn. Hôm 4/1, ông hứa sẽ kiên nhẫn và linh hoạt trong chính sách tiền tệ 2019. Thậm chí, ông Powell còn để ngỏ khả năng điều chỉnh chiến lược QT, nếu có thể.
"Chúng tôi không cho rằng chính sách của mình giữ một vai trò quan trọng trong biến động của thị trường bắt đầu từ quý 4 năm ngoái", ông Powell nói. "Nhưng, tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng nếu chúng tôi đạt đến một kết luận khác, thì chúng tôi sẽ không ngại thay đổi".
Những lời trấn an của ông Powell, cùng với bản báo cáo việc làm khả quan, đã giúp chỉ số Dow Jones tăng 747 điểm trong phiên giao dịch hôm đó.
"Ông Powell đã thay đổi thái độ", ông Gundlach nói. "Thị trường đã bước vào một bữa tiệc kể từ đó".
So với thời điểm chạm đáy 20 tháng vào dịp Giáng sinh, chỉ số Dow Jones đến nay đã tăng hơn 2.100 điểm, tương đương mức tăng khoảng 10%.
Dĩ nhiên, Fed có lý do để thực hiện QT. Mức lãi suất thấp lịch sử và một bảng cân đối kế toán lớn sẽ hạn chế khả năng hành động của Fed trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái mới - điều mà giới đầu tư lo ngại sớm xảy đến.
Mặc dù vậy, sự nhạy cảm của thị trường đối với bảng cân đối kế toán của Fed là một sự nhắc nhở rằng QE và QT thực sự là một cuộc thử nghiệm lớn. Không ai có thể biết trước những chương trình như vậy sẽ dẫn tới điều gì.
AN HUY