Vietstock - BOT và chuyện “phí - giá” sẽ rất nóng
Theo kế hoạch, hôm nay Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh (ảnh) trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh lĩnh vực đầu tư BOT và câu chuyện “phí - giá”.
BOT tiếp tục được đại biểu quan tâm
Câu chuyện về BOT giao thông luôn là vấn đề nóng, được người dân và dư luận quan tâm trong thời gian qua. Chắc hẳn vấn đề này cũng sẽ được Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể?
Tôi tin chắc vấn đề BOT giao thông, đại biểu và xã hội rất quan tâm. Chính vì vậy đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ đặt rất nhiều câu hỏi với Bộ trưởng GTVT về vấn đề này. Có lẽ, điều ĐBQH và người dân quan tâm nhất chính là sự minh bạch, từ khâu lập dự án, đến tổ chức thực hiện, rồi vận hành dự án BOT.
Điều quan trọng là phải đảm bảo sự hài hòa, mang lại quyền lợi cho cả ba bên: Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Có như vậy chúng ta mới có những con đường đẹp, công trình đẹp, phục vụ người dân tốt hơn, và cũng chính là để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Làm gì để thực sự phát huy được ưu điểm của BOT giao thông, thưa ông?
Suy cho cùng, với các công trình kết cấu hạ tầng, đây là tài sản của nhà nước, tài sản công. Đã là tài sản công thì nhà nước phải đầu tư. Thế nhưng hoàn cảnh hiện nay, do nhà nước không có vốn để đầu tư, chúng ta phải đi vay, nhưng bằng hình thức vay của nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư bỏ vốn ra cho nhà nước vay, đầu tư hạ tầng và người ta được quyền thu lại chi phí đó.
Đã là tài sản công thì chúng ta phải quản lý ở tất cả các quy trình, từ khâu lập dự án, đến tổ chức thực hiện, rồi quản lý, vận hành dự án. Đặc biệt, việc này phải được minh bạch hóa, phải được quản lý rất chặt chẽ và phải có sự giám sát của cộng đồng, của người dân, chứ không phải nhà đầu tư muốn làm gì thì làm.
Qua theo dõi, cá nhân ông thấy Chính phủ cũng như ngành giao thông có sự chuyển biến gì không, nhất là từ khi Quốc hội ra nghị quyết về BOT?
Cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ đã có cải thiện rất nhiều. Từ khi Quốc hội có nghị quyết, Chính phủ cũng có nghị quyết tiếp theo và đang chuẩn bị sửa lại nghị định về các công trình triển khai dạng này. Chính phủ đã thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội là kiểm soát ngay từ đầu, kiểm soát tất cả các dự án như vậy. Trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là kiểm soát các dự án đường, sẽ không có chuyện cải tạo con đường cũ, mà phải làm đường BOT mới, để người dân có sự lựa chọn. Đó là sự minh bạch.
Chuyển “phí” sang “giá”, kiểm soát thế nào?
Một vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm trong những ngày gần đây là việc chuyển từ “phí” sang “giá” BOT giao thông, rồi giáo dục, và có thể tới đây còn cả lĩnh vực y tế…?
Với lĩnh vực này, tôi nghĩ chắc chắn chúng ta cần phải làm rõ, để cách quản lý cũng phải theo hướng rất mạch lạc. Giá là giá, phí là phí. Không thể lẫn lộn hai lĩnh vực với nhau được.
Nhưng để hiểu rõ bản chất của vấn đề này, chúng ta phải quay lại câu chuyện tại sao lại gọi là phí? Trên thực tế, chúng ta đã quen sử dụng từ “phí” rất lâu rồi, ví dụ như “học phí”, hay “viện phí”… Tất cả đều gắn với đời sống hàng ngày của chúng ta từ rất lâu, đồng thời đã được thể hiện trong pháp luật.
Vào thời kỳ đó, tất cả được nhà nước bao cấp hết, từ đầu tư cho bệnh viện, đến giáo dục. Rồi sau đó thu một phần, chứ không phải thu toàn bộ. Tức là phí đó chỉ được thu một phần trong toàn bộ chi phí đã bỏ ra. Thực chất, gọi đầy đủ phải là chi phí để sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, chi phí để sử dụng dịch vụ đường bộ.
Và bây giờ chúng ta chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước hiện nay còn đang rất khó khăn, chúng ta phải huy động các nguồn lực khác. Muốn làm được điều này chỉ bằng hai cách, lấy ngân sách nhà nước hoặc đi vay. Trong khi đó, ngân sách lại không có nên phải đi vay. Mà vay lại đụng trần bội chi ngân sách rồi. Chính vì thế, chúng ta phải huy động các nhà đầu tư bỏ vốn ra.
Khi chuyển sang hình thức này, rõ ràng nhà đầu tư đã đầu tư thì người ta phải tính đủ chi phí để thu lại, chứ họ không thể cho không được. Và cái người ta muốn thu lại chính là chi phí đầy đủ và được xác định. Đó chính là giá sử dụng dịch vụ.
Theo ông, khi chuyển từ cơ chế phí sang giá, điều gì cử tri cần quan tâm?
Bản chất ở đây là chúng ta kiểm soát được các dự án ngay từ ban đầu. Toàn bộ tổng đầu tư dự án có đúng không, kết cấu công trình có đảm bảo hay không? Trên cơ sở tính toán lưu lượng dòng xe trên quãng đường đó bao nhiêu, từ đó tính ngược lại mức thu, thời gian. Làm sao đến một thời gian nhất định nào đó, nhà đầu tư thu lại vốn, rồi trả lại công trình đó cho nhà nước. Nếu kéo dài thời gian thu vốn thì chi phí sử dụng giảm xuống, còn nếu thu ngắn lại thì chi phí tăng lên.
Rõ ràng ở đây có vai trò của nhà nước, khi xác định công trình kết cấu hạ tầng là tài sản công, thì chúng ta phải quản lý theo trình tự tài sản công. Và Chính phủ đang làm việc đó. Việc quản lý bắt đầu từ khâu đề ra đến khâu thực hiện, vận hành dự án, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ba bên như tôi vừa nói.
Rõ ràng câu chuyện này cũng phải hết sức minh bạch. Trước kia có câu chuyện nhà đầu tư đề xuất ra và chúng ta chỉ định thầu. Bây giờ ai đề xuất cũng được, nhưng phải được cơ quan nhà nước duyệt dự án đầu tư và chúng ta tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch.
Về vốn vay, Chính phủ sẽ quy định rất rõ, BOT đầu tư phải có vốn tối thiểu 20% tổng vốn dự án đó, còn trước kia chỉ dưới 15%. Nhà đầu tư phải chứng minh đủ năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật thì mới được triển khai dự án.
Cảm ơn ông.
“Trả lời chất vấn là trách nhiệm và năng lực của mỗi bộ trưởng. ĐBQH là người đại diện cho cử tri, những bức xúc đặt ra, là tổng tư lệnh, bộ trưởng phải trả lời được. Nếu không trả lời được thì sẽ phải xem lại trách nhiệm của bộ trưởng. Tranh luận cũng rất cần tăng lên tại phiên chất vấn. Nhưng tranh luận không phải mang tính chất để định hướng. Tranh luận để chúng ta tìm ra chân lý và để hướng tới giải pháp để giải quyết vấn đề đó”. ĐBQH Đỗ Văn Sinh |
LUÂN DŨNG