Vietstock - Công cụ làm giàu số 1 mà những người trẻ chưa tận dụng
Tại sao nhiều người trong chúng ta đối với tiền bạc lại có quan điểm sai lệch như hiện nay? Bạn có thể viện ra một vài lý do thuyết phục như: Không đủ trình độ học vấn, quá nhiều thông tin, thông điệp khó hiểu từ các phương tiện truyền thông hoặc đơn giản là sự thiếu quan tâm.
Ramit Sethi, tác giả cuốn sách best-seller I Will Teach You To Be Rich
Bất kể lý do đó là gì đi nữa, rõ ràng là những người trẻ tuổi đang không tận dụng công cụ hiệu quả nhất để giúp họ làm giàu: Đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK).
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, từ năm 2017 - 2018, chỉ có 37% thanh niên Mỹ từ độ tuổi 35 trở xuống cho biết họ có sở hữu cổ phiếu, so với 61% số người trên 35 tuổi có sở hữu cổ phiếu.
Mở một tài khoản đầu tư cho phép bạn tiếp cận với phương tiện kiếm tiền lớn nhất trong lịch sử thế giới, và bạn không cần phải giàu có để làm được điều đó. Nhiều nhà môi giới sẽ không yêu cầu số dư tối thiểu (số tiền cần thiết để mở tài khoản) nếu bạn thiết lập chuyển khoản tự động hàng tháng.
Hãy đầu tư ngay bây giờ, bạn không thể trẻ hơn được nữa
Điều gì xảy ra nếu như 5 năm về trước, bạn bắt đầu đầu tư 10 USD mỗi tuần? Giả sử lợi nhuận trung bình là 8%, hiện tại, bạn sẽ có hàng ngàn USD, tất cả chỉ đến từ việc đầu tư hơn 1 USD mỗi ngày. Hãy nghĩ về con số 10 USD một tuần. Nó đã đi về đâu? Có lẽ bạn đã dùng để đi Uber và uống Frappuccino.
Bất chấp những biến động dữ dội trên TTCK, điều tốt nhất bạn có thể làm là nên có tư duy dài hạn và bắt đầu đầu tư từ sớm:
Hãy thôi bào chữa
Mặc dù hầu hết mọi người đều bị giới hạn bởi hoàn cảnh, nhưng đa số sẽ không giàu nổi chỉ vì họ có những thói quen tài chính tiêu cực.
Nếu bạn đang ở độ tuổi 20 hoặc đầu 30, vẫn còn kịp để đặt mục tiêu đầu tư mạnh mẽ. Bước đầu tiên là tìm hiểu những lời bào chữa của bạn (tác giả gọi là “kịch bản vô hình”) thực sự có ý nghĩa gì.
1. Kịch bản vô hình: “Thị trường có nhiều loại cổ phiếu, nhiều cách mua bán và nhiều người đưa ra lời khuyên khác nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy bị choáng ngợp”.
Ý nghĩa: Đây là ngụ ý cho việc: “Tôi chỉ muốn núp đằng sau sự phức tạp”. Khi bắt tay vào tìm hiểu bất kỳ chủ đề mới nào, bạn cũng đều cảm thấy choáng ngợp cả (ví dụ như chế độ ăn, chế độ tập luyện hoặc cách làm cha mẹ). Câu trả lời không phải là tránh né nó, mà là chọn ra một nguồn thông tin và bắt đầu học.
2. Kịch bản vô hình: “Tôi không muốn mua cổ phiếu khi thị trường đang tạo đỉnh”.
Ý nghĩa: Bạn đã biết được bạn không thể kiểm soát thị trường, nhưng bạn chưa thực sự hiểu. Bạn có thể làm cho vấn đề này biến mất bằng cách tự động đầu tư mỗi tháng.
3. Kịch bản vô hình: “Tôi chưa đầu tư vào bất cứ thứ gì cả vì có nhiều lựa chọn khác nhau để tôi đổ tiền vào (bất động sản, chứng khoán, tiền điện tử và hàng hóa). Tôi biết tôi nên đầu tư, nhưng cổ phiếu khiến tôi cảm thấy không thoải mái”.
Ý nghĩa: Điều trớ trêu lớn nhất ở đây chính là bạn tin rằng “kiểm soát” sẽ giúp cho việc đầu tư của bạn sinh lợi. Trên thực tế, lợi nhuận sẽ nhiều hơn bằng cách làm ít hơn. Bạn càng ít kiểm soát càng tốt. Các nhà đầu tư trung bình thường mua cao, bán thấp và giao dịch thường xuyên (mất thuế phí). Tất cả điều này sẽ khiến lợi nhuận của bạn bị khấu hao rất nhiều.
4. Kịch bản vô hình: “Do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong TTCK nên tôi không muốn mất đi khoản tiền mà tôi vất vả mới kiếm được”.
Ý nghĩa: Trớ trêu thay, ngày nào bạn chưa đầu tư thì bạn đang thực sự mất tiền do lạm phát. Bạn sẽ không bao giờ nhận ra điều này đến khi bạn ở độ tuổi 70, lúc đó thì đã quá muộn.
5. Kịch bản vô hình: “Phí giao dịch cao quá, mà tôi thì chỉ có một khoản tiền nhỏ để đầu tư, vì vậy phí giao dịch có thể khấu hao phần lớn lợi nhuận có được”.
Ý nghĩa: Kỳ lạ thay, nhắc tới đầu tư là mọi người nghĩ ngay tới giao dịch cổ phiếu. Nhưng không hẳn như vậy đâu. Khi bạn làm theo lời khuyên của tôi (tác giả), chi phí bạn phải chịu có thể rất thấp.
6. Kịch bản vô hình: “Tôi chuyển sang uống cà phê ly nhỏ thay vì ly lớn, vì vậy mỗi ngày tôi tiết kiệm được mấy USD. Vậy có coi là trưởng thành không?"
Ý nghĩa: Thực sự thì không.
Ramit Sethi, tác giả cuốn sách best-seller I Will Teach You To Be Rich của New York Times, là bậc thầy tài chính đã tư vấn cho hàng triệu độc giả ở độ tuổi 20, 30 và 40. Anh đã trở thành triệu phú tự thân trẻ tuổi nhờ vào trang web của anh (được tạo ra khi anh còn là sinh viên Đại học Stanford năm 2004), các khóa học và sách về tài chính cá nhân. Đây là một trích đoạn được chuyển thể từ cuốn sách I Will Teach You To Be Rich xuất bản năm 2019 của Ramit Sethi. |
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)