Vietstock - Ai “đứng sau” hạ tầng hệ thống của hàng loạt các ngân hàng phía Nam?
Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) hiện đang chiếm thị phần lớn nhất mảng tích hợp hệ thống dành cho phân khúc ngân hàng thương mại phía Nam. Tập khách hàng có sự góp mặt của những cái tên như Agribank, ACB, Eximbank, Techcombank, Sacombank, HDBank, OCB, VietABank, ABBank, DongABank, SCB, MHB, VietCapitalBank, VIB, VPBank.
Làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu hướng toàn cầu. Tài chính – Ngân hàng là một trong 5 ngành nghề có lợi thế trong cuộc Cách mạng 4.0 cùng với công nghệ thông tin (CNTT), du lịch, nông nghiệp và logistics.
Tại một hội thảo quốc tế mới đây tại Bangkok, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng ngành ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á phải tham gia vào cuộc cách mạng kỹ thuật số và nắm bắt cơ hội để mở rộng cơ sở khách hàng trước sự gia tăng của tầng lớp có thu nhập trung bình.
Nói riêng tại Việt Nam, nhận định trong Hội nghị Giám đốc CNTT ngành ngân hàng diễn ra tháng 6/2017 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng cuộc cách mạng này có tác động mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho ngành trong việc nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ. Trong thời gian qua, ngành ngân cũng đã triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin qua nhiều giai đoạn, từng bước nâng cao hạ tầng công nghệ ngân hàng. Một số ngân hàng cũng tăng cường đầu tư công nghệ thông tin những năm gần đây nhằm đẩy mạnh dịch vụ, tối ưu hóa quy trình quản trị - vận hành như VIB, OCB, VPBank, ACB,…
Bên cạnh đó, khi Basel II sắp đi vào thực thi, trước hết là với 10 ngân hàng thí điểm và sẽ mở rộng cho các ngân hàng còn lại trong hệ thống bắt đầu từ năm 2020, thì yêu cầu đầu tư về tài chính, nguồn nhân lực và nhất là hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đáp ứng những vấn đề về bảo mật, quản trị rủi ro, quản lý nguồn vốn kinh doanh một cách hiệu quả ngày càng trở nên cấp thiết.
Một số cái tên chuyên về tích hợp hệ thống, cung cấp giải pháp CNTT cho các ngân hàng trong nước có thể kể đến như Tập đoàn FPT, Tập đoàn CMC (CMG), Công ty iSTS, Tinhvan Solutions (TVS),…
Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), doanh thu lĩnh vực tích hợp hệ thống của Tập đoàn CMC ở khu vực phía Nam bắt đầu cán mốc 1,000 tỷ từ năm 2015 và tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất dành cho phân khúc khách hàng là các ngân hàng thương mại tại miền Nam.
Giai đoạn 2011-2014 trước đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu gộp mảng tích hợp hệ thống của CMG là 14%, trong khi các đối thủ khác trên thị trường đều gặp khó khăn như FPT, HIPT. VCBS nhận định, CMG có kinh nghiệm tích hợp nhưng quy mô nhỏ (doanh thu tích hợp bằng 50% FPT), tuy nhiên biên lợi nhuận trước thuế (3-4%) và tăng trưởng thị trường tích hợp không quá hấp dẫn đối với FPT. Việc FPT không tập trung khai thác sẽ giảm áp lực cạnh tranh và tạo cơ hội cho CMG gia tăng thị phần.
Tại CMG, hầu hết cổ đông lớn đều có “bóng dáng” của các ngân hàng. 13.9% vốn của CMG đang thuộc về tay CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Đơn vị này đồng thời cũng sở hữu gần 13% vốn Ngân hàng An Bình (ABBank) theo số liệu tính đến cuối năm 2016. Chủ tịch Geleximco - ông Vũ Văn Tiền đang đương nhiệm vai trò Chủ tịch ABBank và từng giữ chức Phó Chủ tịch tại CMG giai đoạn 2007-2012. Kế đến, Ngân hàng Agribank và Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) cùng đang nắm giữ 5.04% vốn tại CMG (3.4 triệu cp).
Hai cổ đông lớn nhất của CMG hiện là Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Linh (21.16% vốn) và Công ty TNHH Đầu tư MVI (sở hữu 21.03% vốn). Riêng Ban lãnh đạo, Ban điều hành và người có liên quan nắm hơn 6.2% vốn. Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch của Đầu tư Mỹ Linh đang giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại CMG.
|
Ngoài ngân hàng, khách hàng của CMG còn có Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Khối Chính phủ); Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE); Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Bảo Việt, VietCapital, Prudential, Home Credit, Hanwha Life Insurance, Manulife, CTCK KIS, CTCK HSC,… (Khối Tài chính); Tập đoàn Điện lực, Petrolimex, Viettel, Mobifone, Canon, Thành Thành Công, Pepsi, Vingroup (Khối Doanh nghiệp). Được biết, CMG là đối tác của Microsoft, IBM, Cisco, HP, EMC , DELL, Symantec, VMware, Oracle, SAP, APC, McAfee và hiện là đơn vị duy nhất thực hiện các gói thầu bảo mật và quản trị hệ thống thông tin cho bộ Công an và bộ Quốc phòng.
Tích hợp hệ thống khối tài chính - ngân hàng còn nhiều dư địa phát triển
CMG hoạt động trong 4 mảng chính là phần mềm, tích hợp hệ thống, viễn thông và phân phối lắp ráp; mô hình tương tự như FPT nhưng quy mô nhỏ hơn.
Trong đó, lĩnh vực tích hợp hệ thống kể từ năm 2014 đã vượt mảng phân phối - lắp ráp và trở thành mảng có doanh thu cao nhất của Tập đoàn. Đây là mảng kinh doanh đã có từ khi CMG thành lập và đã từng đóng góp lợi nhuận lớn nhất trong hai năm 2007-2008 (trước khi có đóng góp lớn từ phân phối - 2009 và viễn thông - từ năm 2013).
Tập đoàn CMC tiền thân là Công ty TNHH HT&NT thành lập cuối tháng 5/1993 với hai sáng lập viên là ông Hà Thế Minh và ông Nguyễn Trung Chính. Từ tháng 6/2016, ông Nguyễn Trung Chính được bầu làm Chủ tịch HĐQT CMG thay cho ông Hà Thế Minh – cố Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã từ trần. Năm 2010, Tập đoàn chính thức niêm yết hơn 63.5 triệu cp với mã chứng khoán CMG trên HOSE. |
Sau giai đoạn 2011-2013 khó khăn (lợi nhuận sụt giảm mạnh, đến năm 2013 chỉ còn bằng 1/4 lợi nhuận năm 2009), cũng từ năm 2014, CMG bắt đầu tiến hành tái cơ cấu giảm dần những mảng hoạt động yếu kém (phân phối và lắp ráp, hoạt động khác); duy trì và mở rộng những hoạt động đem lại lợi nhuận cao hơn (viễn thông, tích hợp hệ thống, phần mềm).
Năm tài chính 2016 (01/04/2016-31/03/2017), tổng doanh thu hợp nhất của CMG đạt 4,384 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước và đạt 115% kế hoạch. Trong đó, riêng thu từ lĩnh vực tích hợp hệ thống hơn 2,000 tỷ đồng, tăng trưởng 33%. Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, thị trường phía Nam thời gian này tiếp tục phát triển nhanh và thị phần gia tăng.
Trong một báo cáo của VCSC công bố hồi tháng 7/2016, công ty chứng khoán này dự báo rằng, sau quá trình tái cơ cấu và tín hiệu ấm lên từ nền kinh tế, nhu cầu đầu tư của khối ngân hàng sẽ gia tăng và mảng tích hợp hệ thống sẽ được hưởng lợi.
Gần đây nhất, trong bản tin chứng khoán ngày 18/09/2017, CTCK Bảo Việt (BVS) cũng đánh giá rằng dư địa cho CMG phát triển trong khối Tài chính – Ngân hàng vẫn còn nhiều. Công ty đang chiếm thị phần lớn ở thị trường miền Nam còn thị trường miền Bắc vẫn chưa được chú trọng. Đây là một miếng bánh lớn và thời gian tới CMG sẽ bắt đầu đẩy mạnh thị trường này.
Doanh thu và lợi nhuận theo từng lĩnh vực của CMG
Đơn vị tính: Triệu đồng
|
Đến quý 1/2017 (01/04/2017-30/06/2017), CMG đạt 1,040 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 40.3 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tập đoàn dự kiến 2 quý đầu niên độ tài chính 2017 sẽ đạt 2,150 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 96 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất; tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Gần đây, trong một báo cáo nhanh của CTCK BSC sau buổi họp mặt nhà đầu tư của CMG tổ chức ngày 24/08/2017, BSC ước tính doanh thu cả năm 2017 của CMG sẽ đạt 5,042 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 198 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 156 tỷ đồng (tăng trưởng 26.5%), EPS ở mức 2,237 đồng.
CMG có kế hoạch đầu tư mới trong 2 năm tới (2018-2019) khoảng 600 tỷ, trong đó vốn của công ty vào khoảng 250-300 tỷ, còn lại là vay ngân hàng. Theo đó, CMG sẽ bán 1.1 triệu cổ phiếu quỹ; công ty cũng đang cân nhắc hai phương án: phát hành tối đa 10 triệu cổ phần hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi.