Vietstock - Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Phe “diều hâu” đang thắng thế?
Những nhân vật có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc trong hàng ngũ cấp dưới của Tổng thống Donald Trump dường như thắng thế khi ông Trump gia tăng sức ép với Bắc Kinh trong cuộc đàm phán thương mại.
Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - Ảnh: Reuters.
|
Hôm Chủ nhật vừa rồi, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc. Động thái này của ông chủ Nhà Trắng khiến thị trường có phần sửng sốt, bởi trước đó, giới quan sát vẫn kỳ vọng Mỹ-Trung sẽ đạt được một thỏa thuận trong tuần này. Sau đó, các quan chức Mỹ giải thích rằng ông Trump làm như vậy là bởi Trung Quốc rút lại một số cam kết đã đưa ra trước đó trên bàn đàm phán.
Sau những diễn biến khó lường vừa rồi, khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi đến một thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại song phương đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết, dù nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc là Phó thủ tướng Lưu Hạc vẫn sẽ tới Washington để dự đàm phán vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Nguy cơ sụp đổ đàm phán
Theo hãng tin Bloomberg, những gì đang diễn ra đánh dấu một thắng lợi đối với các đồng minh chính trị của ông Trump bấy lâu nay cảnh báo rằng Mỹ phải có một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
"Giữa lúc đất nước của chúng ta đang ở ngã tư đường, quan trọng hơn bao giờ hết, ông Trump cần phải hành động theo sự mách bảo của bản năng và không suy giảm lập trường đối với mối nguy sống còn lớn nhất mà nước Mỹ từng phải đối mặt", cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon, một nhân vật "diều hâu" có tiếng về vấn đề Trung Quốc, viết trên tờ Washington Post hôm thứ Hai.
Theo ông Bannon, cho dù Washington có đi đến một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, thì đó cũng chỉ là "một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong cuộc chiến kinh tế và chiến lược kéo dài nhiều năm với Trung Quốc".
Thời gian qua, các trợ lý của ông Trump đã không ít lần chứng tỏ sự đoàn kết trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Nhưng theo Bloomberg, thực ra, phía sau đó là những mâu thuẫn nảy lửa. Tuy nhiên, theo những nguồn thạo tin, lập trường của các cấp dưới của ông Trump đang ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại (USTR) Robert Lighthizer nói với các nhà báo rằng toàn bộ nhóm kinh tế của ông Trump nhất trí với quyết định tăng thuế lên hàng Trung Quốc của Tổng thống.
Điều này đặt ra một nguy cơ: cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài cả năm nay có thể sụp đổ hoàn toàn.
"Diều hâu" và "bồ câu"
Phe "diều hâu" (hawkish) ở Nhà Trắng, dẫn đầu là cố vấn thương mại Peter Navarro, từ lâu xem Trung Quốc là một đối thủ gây chiến tranh kinh tế chống lại nước Mỹ. Đối với họ, thà không có thỏa thuận nào còn hơn một sự nhượng bộ của ông Trump và những cố vấn có quan điểm "bồ câu" (dovish) như ông Mnuchin - người luôn xem trọng ảnh hưởng của đàm phán với thị trường tài chính.
"Ông Trump đang ở giữa hai phái khác nhau", chuyên gia Clark Packard thuộc R Street Institute, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, nhận xét. "Nếu thị trường sụt giảm, ông ấy sẽ đối mặt sức ép từ những nhân vật có quan điểm đề cao thị trường, như ông Mnuchin. Mặt khác, những nhân vật như ông Lighthizer và ông Navarro lại khuyên ông Trump không nhượng bộ".
Từ sau dòng tweet tuyên bố tăng thuế của ông Trump, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã sụt 2,2%. Chứng khoán Trung Quốc mất 4,9%, sụt 478 tỷ USD giá trị vốn hóa của chỉ số Shanghai Composite Index.
Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ ngay lập tức trả đũa nếu Mỹ áp thuế mới lên hàng hóa của họ.
"Nếu chính quyền ông Trump thực hiện lời cảnh báo tăng thuế vào ngày thứ Sáu, thì tôi cho rằng điều này đồng nghĩa với việc đàm phán đổ vỡ", ông Lu Xiang, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học xã hội ở Bắc Kinh, một tổ chức nghiên cứu nhà nước Trung Quốc, nhận định. "Khi đó, chúng ta cần chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất".
Kế hoạch tăng thuế của ông Trump đã gây lo ngại cho nhiều nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là những nghị sỹ đến từ các bang sản xuất nông nghiệp vốn chịu nhiều tác động từ thuế quan trả đũa của Trung Quốc.
Ông Pat Roberts, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp thuộc Thượng viện, một người Cộng hòa đến từ bang Kansas, thì nói rằng "nhiều người làm trong ngành nông nghiệp đang có cảm giác rằng chúng tôi bị sử dụng như con tốt thí trong tất cả chuyện này".
Trái lại, ông Trump nhận được sự hoanh nghênh của thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer đến từ bang New York. "Nếu chúng ta giữ vững được sự cứng rắn, chắc chắn chúng ta sẽ đạt bước tiến với Trung Quốc", ông Schumer nói hôm thứ Hai.
Ông Trump muốn gì?
Mấy tháng qua, ông Trump đã nhiều lần đẩy lùi thời hạn đạt một thỏa thuận với Trung Quốc, cũng như kế hoạch nâng thuế trong trường hợp không có thỏa thuận. Điều này được xem như một thắng lợi đối với ông Mnuchin và cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump là ông Larry Kudlow - những người đã cảnh báo về hậu quả đối với thị trường nếu đàm phán đổ vỡ".
Tuy nhiên, ông Lighthizer đã đạt được một vị thế cao hơn trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, và đang được coi như "tai mắt" của ông Trump. Mà quan điểm của vị đại diện thương mại này - dù không thực sự "diều hâu" như ông Bannon và ông Navarro - vẫn cứng rắn hơn ông Mnuchin và ông Kudlow.
Theo nguồn thạo tin, chính ông Lighthizer là người hối thúc ông Trump đăng dòng trạng thái (tweet) về tăng thuế đối với hàng Trung Quốc hôm Chủ nhật, sau khi ông báo cáo với Tổng thống về việc Trung Quốc tìm cách rút lại một số cam kết.
Về phần mình, trước công chúng, ông Trump có khuynh hướng đứng về phía các nhân vật "diều hâu" trong chính quyền ông. Hồi tháng 12, ông từng tuyên bố trên Twitter: "Tôi là một ông thuế quan (Tarriff Man)".
Tuy vậy, nhà lãnh đạo cũng chú trọng diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ, xem đây như một thước đo cho sự thành công của các chính sách mà ông theo đuổi. Ông cũng đã khuyến khích các nhà đàm phán thương mại Mỹ đi đến một thỏa thuận giúp Phố Wall tăng điểm trước khi ông bước vào chiến dịch tái tranh cử 2020.
"Xét cho cùng, khi tranh cử vào năm 2020, ông Trump sẽ phải lấy vấn đề kinh tế làm trọng tâm. Và một trong những cách đề khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ là sa vào một cuộc chiến hao tổn và kéo dài với Trung Quốc", chuyên gia Packard nhận định.
An Huy