Vietstock - Giá tôm được kỳ vọng sẽ hồi phục từ cuối quý 3 năm nay
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của giá tôm thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng, các nhà nhập khẩu đã yêu cầu giảm giá. Điều này đã khiến giá tôm nguyên liệu và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng qua, nhất là trong quý 2 có xu hướng giảm nhẹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Dự báo của VASEP và một số doanh nghiệp cho thấy, giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Hiện một số nguồn cung tôm lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn cung trong quý 3 và quý 4/2018.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018. Vì vậy, dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, vào khoảng tháng 8 và 9/2018.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, hiện giá tôm đang hồi phục và được dự báo còn tiếp tục tăng, vì vậy người nuôi tôm không nên ồ ạt “bán tháo” tôm cỡ nhỏ, mà cần nuôi tôm về size lớn để bán được giá cao. Đồng thời, nên duy trì thả nuôi tại thời điểm này nhưng cần lưu ý thả với mật độ thưa để giảm thiểu rủi ro, kéo dài thời gian thu hoạch, chờ khi nào tôm được giá.
Bên cạnh đó, người nuôi nên áp dụng công nghệ nuôi mới, theo chuẩn quốc tế, tập trung sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất. Về phía các doanh nghiệp cũng nên tập trung phát triển hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chất lượng cao để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp để có giá bán cao hơn và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Trước đó, từ tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 275,2 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 5/2018, xuất khẩu tôm tiếp tục mạnh hơn, giảm 5,7% và đạt 309,9 triệu USD. Tác động của đợt giảm giá này tác động mạnh mẽ hơn trong tháng 6/2018 khi kim ngạch xuất khẩu chỉ ước đạt 283,6 triệu USD, giảm tới 15% so với cùng kỳ.
Việc nguồn cung tôm thế giới tăng, giá tôm thế giới suy giảm đã khiến giá tôm nguyên liệu trong nước cũng giảm mạnh từ tháng 4/2018 đến nay. Giá tôm chân trắng giảm mạnh từ 20-30% tùy theo cỡ tôm và hiện chưa có dấu hiệu phục hồi.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, đến thời điểm này, giá tôm thế giới vẫn còn “án binh bất động,” đang ở mức thấp do nguồn cung tôm thế giới vẫn đang dồi dào, nhất là ở Ấn Độ. Điều này cũng khiến cho thị trường tôm nguyên liệu trong nước hiện chưa có chuyển biến tốt hơn.
Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới sẽ phục hồi với sản lượng có thể vượt qua 3,5 triệu tấn vào năm 2018, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Năm nay, nhiều cường quốc nuôi tôm đều đề ra chương trình tăng trưởng nuôi tôm khiến sản lượng tôm thế giới năm nay dự báo tăng. Trong khi đó, mức tiêu thụ tôm toàn cầu trong nửa đầu năm nay lại giảm, đã khiến giá tôm thế giới sụt giảm mạnh.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng cho biết, cơ hội phục hồi giá tôm vừa “loé” ra thì lại bị một thách thức khác “đè bẹp.” Đó là do tác động của đồng USD tăng mạnh hơn so với một số loại đồng tiền khác như Euro của châu Âu, Yên của Nhật Bản và đồng Won của Hàn Quốc.
Chẳng hạn như trước đây, khi giá tôm giảm (chủ yếu là do ảnh hưởng của nguồn cung tôm thế giới tăng), các công ty thương mại châu Âu vẫn giữ nguyên giá bán lẻ và họ được lời từ phần chênh lệch giá giảm. Sau đó, thị trường tôm có chuyển biến tốt hơn nhưng lại trúng đợt tỷ giá đồng USD tăng cao so với đồng Euro và một số ngoại tế khác khiến các nhà nhập khẩu châu Âu buộc phải giảm giá mua tôm để bù phần chênh lệch tỷ giá khi bán lẻ. Do vậy, cơ hội để giá tôm nhích lên và phục hồi trong bối cảnh này là rất khó khăn.
Tuy nhiên, ông Lĩnh cũng cho rằng, giá tôm nguyên liệu từ nay đến cuối năm phải tăng thì mới khuyến khích người nông dân tiếp tục nuôi trồng. Nếu không, các doanh nghiệp lại phải rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất như một số thời điểm trước đó. Sự tăng giá này có thể phải do các doanh nghiệp chia sẻ từ lợi ích trong phần giá trị gia tăng của sản phẩm.
Dù kim ngạch xuất khẩu có sụt giảm đáng kể trong quý 2, tuy nhiên nhờ tăng trưởng mạnh trong quý 1/2018 ở mức trên 20% nên tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm vẫn tăng khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 1,6 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng vẫn duy trì tăng mạnh 18% với kim ngạch trên 1 tỷ USD.
H.CHUNG