Vietstock - BIDV báo lãi gấp đôi trong quý 2/2018, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1.49%
Sự tăng trưởng trong lợi nhuận hợp nhất quý 2/2018 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung của BIDV chủ yếu do lợi nhuận của riêng ngân hàng tăng mạnh từ thu nhập lãi thuần, thu nợ ngoại bảng và dịch vụ, đồng thời kết quả lợi nhuận của các công ty con cũng tăng trưởng so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2018.
Trong quý, thu lãi từ hoạt động tín dụng chiếm gần 80% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng và tăng 16% so với cùng kỳ lên hơn 8,300 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 976 tỷ đồng (tăng 17%), lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 222 tỷ đồng (tăng 22%), lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 156 tỷ đồng (tăng 180%), lãi thuần từ hoạt động khác đạt gần 1,000 tỷ đồng (tăng 36%). Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 50 tỷ đồng.
Hầu hết các hoạt động đều ghi nhận lãi tăng trưởng giúp BIDV báo lãi quý 2/2018 gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 2,000 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, con số này vượt ngưỡng 5,000 tỷ đồng, tăng trưởng 36%.
Theo giải trình của ngân hàng, lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017 nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận riêng ngân hàng tăng mạnh từ thu nhập lãi thuần, thu nợ ngoại bảng và dịch vụ, đồng thời kết quả lợi nhuận của các công ty con cũng tăng trưởng so với cùng kỳ.
Thực ra, lợi nhuận thuần trước dự phòng 6 tháng đầu năm của BIDV tăng tới 50% và đạt hơn 15,000 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng chiếm tới 10,000 tỷ đồng đã "ăn mòn" 67% lợi nhuận.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng "ăn mòn" 67% lợi nhuận của BIDV trong 6 tháng đầu năm 2018.
|
Tại thời điểm 30/06/2018, tổng tài sản có đạt gần 1,270 ngàn tỷ đồng, tăng 5.5%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% lên 929 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 1.62% hồi đầu năm xuống chỉ còn 1.49%.
Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng tăng 12% lên 964.5 ngàn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của BIDV tăng thêm 4,200 tỷ đồng so với đầu năm lên hơn 53,000 tỷ đồng. Vốn điều lệ vẫn “nằm im” tại mức 34,370 tỷ đồng.
Về vấn đề tăng vốn điều lệ, trong năm 2017, Ngân hàng đã triển khai và tổ chức các hoạt động tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. “Nhiều định chế tài chính lớn đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc đầu tư vào cổ phiếu BIDV với tư cách nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không thuận lợi, tiến độ phê duyệt của các cơ quan quản lý kéo dài nên trong năm 2017, BIDV vẫn chưa hoàn tất được các phương án tăng vốn theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2017”, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết.
Kế hoạch tăng vốn sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018, trong đó tập trung vào phát cổ phiếu cho Nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính) hoặc thực hiện các biện pháp tăng vốn khác. Tuy nhiên, hiện tại BIDV vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc tăng vốn.
Vũ Hạ