Vietstock - Đề xuất tăng tỷ lệ ký quỹ: Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói gì?
Tổng dư nợ margin của công ty chứng khoán đến cuối năm 2017 đạt khoảng 38 nghìn tỷ, chiếm khoảng 1% mức vốn hóa thị trường...
* Giữa lúc thị trường chứng khoán bứt phá, UBCK dự kiến siết margin
Ông Trần Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
|
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán thành viên về việc góp ý dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 87/QĐ-UBCK, qua đó đưa tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) trở về tỷ lệ trước đây, tức do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 60%.
Ông Trần Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng khi thực hiện, quy định mới chỉ áp dụng với khoản vay mới và không hồi tố khoản vay đã giải ngân trước đó. Ông Trần Dũng cũng nhấn mạnh rằng, về dài hạn quy định này sẽ giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn, tăng cường năng lực, vị thế quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán.
Được biết, Ủy ban Chứng khoán đang lấy ý kiến về việc sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ, dự kiến tăng tỷ lệ ký quỹ từ 50% lên 60%. Xin ông cho biết lý do của đề xuất này?
Quy định về giao dịch ký quỹ bắt đầu được chính thức ban hành và áp dụng từ năm 2011 bằng Quyết định số 637/QĐ-UBCK với tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 60% (nhà đầu tư phải ký quỹ 60% và công ty chứng khoán cho vay 40% giá trị chứng khoán mua được).
Sau một thời gian áp dụng, trước tình hình thị trường có quy mô thanh khoản kém (khoảng 3.000 tỷ đồng/ngày), nhằm hỗ trợ thanh khoản, tăng cầu cho thị trường, đầu năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh giảm tỷ lệ ký quỹ ban đầu xuống 50%.
Tỷ lệ này tiếp tục được duy trì cho đến nay theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK ngày 25/01/2017 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về chỉ số và quy mô giao dịch.
Chỉ số VN-Index đạt mốc trên 1.000 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, thanh khoản có sự cải thiện mạnh đạt bình quân 5.000 tỷ đồng/phiên, đặc biệt những ngày đầu năm 2018, thanh khoản liên tục tăng mạnh, có ngày giao dịch đạt trên 10.000 tỷ đồng. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt gần 75% GDP.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận thấy mục tiêu điều chỉnh giảm tỷ lệ ký quỹ đã đạt được và để hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán, tăng cường vị thế quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán, Ủy ban xét thấy cần điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu trở lợi mức 60% như trước.
Tỷ lệ này phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, có mức độ biến động thị trường cao.
Hiện số dư margin được các công ty chứng khoán là bao nhiêu và có ở mức đáng lo ngại hay không? Theo ông, tiêu chuẩn margin là bao nhiêu để đánh giá mức độ an toàn của thị trường chứng khoán?
Theo số liệu giám sát cho thấy, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ do các công ty chứng khoán tài trợ cho thị trường đến cuối năm 2017 đạt khoảng 38 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2016 và chiếm khoảng 1% mức vốn hóa thị trường.
Qua tham khảo một số thị trường chứng khoán trên thế giới, tỷ lệ dư nợ giao dịch ký quỹ/mức vốn hóa thị trường ở mức khoảng 2%.
Ở Việt Nam, ngoài nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ từ các công ty chứng khoán, còn có nguồn vốn khác từ ngân hàng và các tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, trên thực tế mức tài trợ cho giao dịch chứng khoán lớn hơn mức 1% vốn hóa thị trường.
Ngoài ra, dư nợ ký quỹ cũng ở mức tương đối so với tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán. Việc tiếp tục tăng có thể có những ảnh hưởng đến mức độ an toàn của hệ thống các công ty chứng khoán.
Ông đánh giá tác động thế nào đến thị trường chứng khoán nếu quy định này được áp dụng?
Quy định này chỉ ảnh hưởng đến khoản vay mới phát sinh sau ngày có hiệu lực mà không ảnh hưởng đến các khoản vay đã giải ngân trước đó.
Các giới hạn cho vay hiện nay vẫn trong hạn mức quy định và theo khẩu vị rủi ro của từng công ty chứng khoán, giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay tính theo giá thị trường vẫn cao, trung bình từ 2,5 đến 3 lần dư nợ cho vay.
Đồng thời, về dài hạn nó giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn, tăng cường năng lực, vị thế quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán.
Nhật Bình