Vietstock - Giá hàng hóa đồng loạt khởi sắc vì nhu cầu tăng mạnh
Việc hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đang dần dần rút cạn nguồn cung hàng hóa trên toàn cầu, qua đó đẩy chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg lên đỉnh 3 năm.
Holger Schmieding, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Berenberg Bank ở Luân Đôn, cho hay: “Hiếm khi nào triển vọng năm mới lại đáng khích lệ như hiện nay”.
Trong bối cảnh các nhà máy trên toàn thế giới tích cực đẩy mạnh sản xuất, nhu cầu nguyên liệu thô cũng gia tăng nhanh chóng. Hôm thứ Năm (04/01), chỉ số hàng hóa Bloomberg Commodities Spot Index – vốn theo dõi giá của 22 nguyên liệu thô – nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Được biết, chỉ số này đã leo dốc 14 ngày liên tiếp, cũng là chuỗi tăng dài kỷ lục.
Về phần nền kinh tế toàn cầu, đà tăng của giá hàng hóa có thể cho thấy việc các quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong nhiều năm qua đã thực sự kích thích hoạt động sản xuất và thậm chí có thể đủ để vực dậy áp lực lạm phát. Rủi ro ở đây là tỷ lệ lạm phát tăng nhanh hơn kỳ vọng của các ngân hàng trung ương, qua đó buộc họ phải nâng lãi suất tích cực hơn dự tính tại thời điểm này.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố trong tháng 9/2017, nếu giá dầu tăng 10% thì tỷ lệ lạm phát Mỹ tăng trung bình thêm 0.4 điểm phần trăm. Hiệu ứng này sẽ đẩy lạm phát Mỹ lên mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, nghiên cứu từ Fed công bố trong tháng 10/2017 cho thấy đà sụt giảm gần đây nhất của giá dầu thô đã khiến lạm phát lõi – vốn loại trừ thực phẩm và giá năng lượng – giảm bớt 0.2 điểm phần trăm.
Trong năm nay, giá dầu Brent nhảy vọt lên gần mức 70 USD/thùng, và giá paladi – một kim loại được sử dụng để giảm bớt lượng khí thải của xe hơi – chạm mức cao nhất mọi thời đại trong ngày thứ Năm.
Amrita Sen, Trưởng Bộ phận Phân tích giá dầu tại Energy Aspects ở Luân Đôn, cho biết: “Thị trường dầu đang thắt chặt lại với tốc độ rất nhanh. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu rất cao đến từ nhiều quốc gia”.
Sau nhiều năm lo lắng về rủi ro giảm phát, giờ đây nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ về một hướng rất khác. Byron R. Wien, Giám đốc điều hành tại Blackstone Group, đã thêm dự báo giá dầu WTI lên mức 80 USD/thùng vào top 10 điều có khả năng gây ngạc nhiên nhất đến thị trường toàn cầu trong năm 2018.
“Giá dầu tăng là vì nền kinh tế toàn cầu liên tục tăng trưởng và nhu cầu dầu cao từ các nước đang phát triển”, ông cho biết.
Nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu đà tăng của giá hàng hóa được thúc đẩy bởi sự gia tăng của nhu cầu hay sự suy giảm của nguồn cung.
Neil Dutta, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ tại Renaissance Macro Research, nói với khách hàng trong ngày thứ Năm (04/01) rằng trong bối cảnh giá dầu liên tục leo dốc, thì các cổ phiếu bán lẻ cũng tăng mạnh. “Về cơ bản, thị trường đang thể hiện rằng đà tăng của giá dầu có lẽ xuất phát từ nhu cầu mạnh nhiều hơn là từ sự suy giảm nguồn cung, và đà tăng này vẫn chưa đủ để khiến người tiêu dùng giảm bớt nhu cầu”.
Các ngân hàng trên Phố Wall, bao gồm cả Goldman Sachs, đều dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2018, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Nếu trở thành sự thật, thì điều này có thể làm nhu cầu dầu thô tăng thêm hàng triệu thùng, nhu cầu kim loại đồng tăng thêm hàng ngàn tấn và lượng tiêu thụ bắp, thịt, và các thực phẩm khác cũng tăng mạnh.
Cho tới nay, nhà đầu tư vẫn đang đặt cược rằng đà leo dốc của giá hàng hóa sẽ tiếp tục. Cụ thể, số lượng hợp đồng đặt cược vào đà tăng của giá dầu WTI và giá dầu Brent đang ở mức kỷ lục.
Dẫu vậy, một số nhà đầu tư khác vẫn tỏ ra hoài nghi về đà leo dốc của giá hàng hóa, lên tiếng cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm trong năm 2018 – qua đó trở thành yếu tố tác động tiêu cực đến lĩnh vực hàng hóa.
“Chúng tôi nghĩ giá hàng hóa đang phản ánh tình trạng lạc quan quá mức về phía cầu”, Caroline Bain, Trưởng Bộ phận Kinh tế hàng hóa tại công ty tư vấn Capital Economics, cho hay. “Thật vậy, nhu cầu yếu hơn – khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại – có thể khiến giá hàng hóa suy giảm trong năm nay”.
Bên cạnh nhu cầu cao, giá hàng hóa còn được hưởng lợi từ các biện pháp hạn chế nguồn cung, đáng chú ý nhất là thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và nhà sản xuất khác. Về phần kim loại đồng, nhà đầu tư lo lắng rằng các cuộc đàm phán về tiền lương ở Chile – quốc gia sản xuất đồng lớn nhất trên thế giới – có thể làm gián đoạn hoạt động khai khoáng. Bên cạnh đó, khí hậu lạnh hơn ở Mỹ – quốc gia sản xuất hàng hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới – đang góp phần thúc đẩy giá lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác.
Ở chiều ngược lại, đà leo dốc của giá dầu khuyến khích các nhà sản xuất dầu đá phiến đẩy mạnh sản lượng, qua đó có thể làm gia tăng nguồn cung và tác động tiêu cực đến giá.
Vũ Hạo (Theo CNBC)