Vietstock - WB: Kiều hối dự kiến 15,9 tỉ USD năm 2018
WB dự báo với lượng kiều hối 15,9 tỉ USD, Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018.
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động năm 2018 và các hoạt động chính năm 2019 của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, ông Lương Thanh Nghị đã nhấn mạnh đến việc phát huy nguồn lực của kiều bào, đặc biệt là nguồn lực tri thức và khoa học công nghệ.
Ông Nghị dẫn chứng hàng năm có 300 lượt trí thức, chuyên gia kiều bào thường xuyên cộng tác làm việc với cơ quan trong nước, chưa kể số người về tham gia hội thảo. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn bởi tiềm năng trí thức kiều bào còn lớn, ước tính của Ủy ban, có từ 500 ngàn đến 600 ngàn người, số trí thức về nước chưa đến 1%.
"Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đang âm thầm đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam"- ông Nghị khẳng định. Vợ chồng GS Trần Thanh Vân - GS Lê Kim Ngọc với uy tín của mình đã đóng góp rất lớn cho khoa học Việt Nam, cùng GS của Pháp lập quỹ giáo dục hơn 10 năm triển khai đã cấp học bổng hàng ngàn sinh viên Việt Nam với tổng giá trị ngót nghét 300 tỉ đồng. GS Lê Văn Cường nhà kinh tế học Pháp đã về nước tổ chức hội nghị hàng năm về kinh tế học với sự tham gia của nhiều nhà kinh tế hoc nổi danh trên thế giới, trong đó có những người đoạt giải Nobel.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn trường hợp TS Nguyễn Thanh Mỹ từ Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60. "Gặp bác Mỹ, mở đầu câu chuyện sẽ là giới thiệu những dự án về nông nghiệp công nghệ cao. Đó là phân bón thông minh không gây ô nhiễm môi trường và tăng năng suất lúa lên khoảng 20% hiện đang được áp dụng rộng rãi ở Đồng Tháp và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là sáng chế dụng cụ đo độ mặn nước cửa sông Cổ Chiên (Trà Vinh) để tự động tưới tiêu khi nước ngọt đủ để tưới cây. Ông cũng đang thí điểm tưới tiêu điều khiển từ xa cho mấy chục héc-ta cây trồng ở Thái Bình. Ngồi với tôi ở TP HCM, ông điều khiển qua điện thoại hệ thống tưới ở Thái Bình, có hình ảnh truyền về điện thoại hệ thống tưới đang hoạt động. Ngoài ta, ông còn đặt hẹn giờ tưới lượng nước bao nhiêu là vừa đủ. Lúc nào ông cũng có 3 điện thoại trong tay"- ông Nghị kể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban cũng cho biết sắp tới sáng chế đồng hồ đo nước thông minh của TS Nguyễn Thanh Mỹ sẽ được ký kết để triển khai trên diện rộng ở TP HCM với nhiều ứng dụng hữu ích: Phát hiện điểm rò rỉ nước khi có điểm bất thường, tính toán nước dùng theo ngày, số tiền hết bao nhiêu...
Ngoài ra, nhiều doanh nhân nước ngoài đã đưa những mô hình sản xuất kinh doanh mới về nước, đóng góp rất thiết thực cho kinh tế Việt Nam. "Với trí thức kiều bào, vấn đề là tạo môi trường để bà con phát triển, làm thế nào để không có chuyện về thì hăm hở nhưng ra đi thì ấm ức"- ông Nghị tâm tư.
Kiều hối dự kiến đạt 15,9 tỉ USD Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 4,5 triệu người, có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 80% sinh sống ở các nước phát triển với tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như tri thức. Ông Lương Thanh Nghị cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt kiều bào về nước thăm thân, du lịch, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đầu tư, kinh doanh của kiều bào hiện cũng đang rất khởi sắc. "Theo thống kê của các địa phương và bộ, ngành, hiện đang có gần 3.000 dự án tổng vốn đăng ký gần 4 tỉ USD tập trung những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt là công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao"- ông Nghị thông tin. Kiều hối người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước có xu hướng tăng mạnh, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ tăng trưởng kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài mỗi năm khoảng 10%. WB ước tính năm 2017, kiều hối Việt Nam đạt 13,8 tỉ USD. Vừa qua, WB đưa ra dự báo trong năm 2018 dự kiến kiều hối là 15,9 tỉ USD, đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm nay. Kiều hối đóng góp 6,6% GDP Việt Nam. "Điều đáng mừng là có khoảng 60% lượng kiều hối về nước được sử dụng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh chứ không phải tiêu dùng hay cho vào ngân hàng gửi tiết kiệm như trước đây"- ông Nghị nói. Tuy nhiên, về cơ cấu, có tới 30-40% kiều hối tập trung vào đầu tư bất động sản. |
DƯƠNG NGỌC