Vietstock - Cựu Thủ tướng Singapore: Nhật Bản nên mời Trung Quốc gia nhập TPP
Nhật Bản và Trung Quốc sẽ lèo lái hoạt động thương mại tự do và hội nhập kinh tế ở châu Á, và họ phải làm thực hiện điều này cùng nhau chứ không nên là đối thủ của nhau, cựu Thủ tướng Singapore Ngô Tác Đống cho hay trong ngày thứ Hai. Đặc biệt về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Đống kêu gọi Nhật Bản nắm quyền lãnh đạo và mở ra cánh cửa để Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận.
Cựu Thủ tướng Singapore Ngô Tác Đống
|
Theo Nikkei Asia Review, ông Đống đã phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á tại Nhật Bản rằng, sự gia tăng của quan điểm chống lại hội nhập kinh tế ở phương Tây không phải vấn đề cần quan tâm của châu Á.
“Đây là lúc để châu Á vùng dậy vì thương mại tự do – công bằng, gặt hái tất cả lợi ích từ toàn cầu hóa và định hình chương trình toàn cầu mới”, ông nói.
Châu Á có vị thế tốt để đấu tranh cho thương mại tự do và đẩy mạnh hội nhập kinh tế châu Á, đồng thời tạo ra trường hợp giải thích tại sao Nhật Bản và Trung Quốc cần phải cải thiện mối quan hệ của họ. Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP, ông Đống kêu gọi Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tàu và gửi tới một thông điệp rằng Trung Quốc được chào đón vào thỏa thuận TPP.
Khi nào Trung Quốc có thể thực sự muốn ký kết? Ông Đống không cho rằng điều này sẽ diễn ra trong 5 năm nữa, vì quốc gia này vẫn chưa sẵn sàng để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của TPP – vốn bao gồm các nguyên tắc về thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, lời mời gọi trên sẽ là một hành động để tỏ thiện chí với Trung Quốc.
Để 2 cường quốc châu Á này hợp tác chặt chẽ hơn, những gì còn thiếu là “niềm tin”, ông Đống cho biết.
Phát biểu trước khán giả chủ yếu là giới doanh nhân Nhật Bản, ông Đống cho biết ý tưởng Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, có khả năng thúc đẩy thương mại đa phương và toàn cầu hóa nếu Bắc Kinh đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại tự do. Ý tưởng trên – một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trải dài từ châu Á cho tới châu Âu – nghiêng về hội nhập khu vực, chứ không phải là chia rẽ chúng.