Vietstock - Nghệ sĩ Hãng phim truyện căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm
Đạo diễn Thanh Vân, Anh Tuấn... và nhiều đồng nghiệp yêu cầu công ty Vivaso sớm thoái vốn khỏi hãng phim.
Sáng 17/1, tại Hãng phim truyện Việt Nam (Số 4, Thụy Khuê, Hà Nội), các nghệ sĩ tổ chức cuộc gặp báo chí, bày tỏ bức xúc việc bị Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso - đơn vị chủ quản hiện tại - cắt lương, bảo hiểm.
Băng rôn được treo tại cổng của Hãng phim truyện Việt Nam.
|
Từ 8h, nhiều người xuất hiện dọc khu vực cổng hãng phim, nhiều băng rôn, biểu ngữ được chăng. Nội dung băng rôn viết: "Vivaso hãy thoái vốn khỏi hãng phim", "Hãy chia sẻ cùng VFS: 'Tại sao cắt lương, bảo hiểm của chúng tôi'".
Các nghệ sĩ cung cấp danh sách gồm 30 người không còn được hưởng lương và bảo hiểm. Trong đó có các tên tuổi như đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Đức Việt, Trần Chí Thành, nhiều quay phim như Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thanh Tùng, các nhân viên kỹ thuật hình như Cồ Huy Sáng, Cồ Huy Minh, Nguyễn Hoàng Linh... cùng nhiều họa sĩ thiết kế, chuyên gia ánh sáng. Theo họ, việc cắt lương thực hiện từ tháng 7, bảo hiểm bị cắt từ tháng 10/2018. Họ cho biết thêm từ hôm có văn bản thông báo cắt bảo hiểm (15/1), các nghệ sĩ không thể liên hệ được với đại diện Vivaso. Các nghệ sĩ đã kiến nghị lên công đoàn, tuy nhiên, Chủ tịch Vivaso không có phản hồi.
Đạo diễn Anh Tuấn cho biết: "Việc cắt bảo hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nghệ sĩ. Chúng tôi còn 10-20 năm để cống hiến cho hãng phim nhưng không biết tương lai sẽ đi về đâu, rất hoang mang". Đạo diễn Thanh Vân nhận xét việc cắt quyền lợi của các nghệ sĩ lớp kế cận khiến họ lo lắng, nảy sinh tâm lý chán nản, dễ rời bỏ hãng phim. "Trong quá trình cổ phần hoá, hãng thiệt hại nhân sự rất lớn. Vài chục nghệ sĩ đã rời khỏi hãng", đạo diễn nói.
Họ yêu cầu Vivaso sớm thoái vốn. "Chúng tôi đã báo cáo các vấn đề trên với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, các nghệ sĩ được thông báo phải chờ. Anh em cán bộ, nhân viên hoàn toàn không biết gì về lộ trình thoái vốn, sáp nhập vào đơn vị khác", đạo diễn Thanh Vân nói.
Về thông tin VFS sẽ sáp nhập vào VOV, các nghệ sĩ cho rằng hiện tại, đó là phương án tốt. Đạo diễn Thanh Vân bày tỏ mong muốn dù sáp nhập đơn vị nào, hãng mong được hoạt động độc lập, không bị hoà tan vào ngành truyền hình.
Hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc chuyển giao không đúng quy trình, sai phạm sử dụng đất và kiến nghị Bộ Văn hóa để VFS rút vốn trước thời hạn. Lúc đó, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Vivaso - cho hay: "Tôi sẽ rút cổ phần cho xong và về nghỉ hưu, đỡ mệt".
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Hiện, Hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. Sáng 13/10/2017, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra Hãng Phim truyện Việt Nam, từ năm 2014 - giai đoạn khởi đầu tiến trình cổ phần hóa - đến khi thành lập Công ty Cổ phần. |
Hà Thu