Vietstock - Đức chặn đứng vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc
Động thái của Đức diễn ra trong bối cảnh lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc có thể giành quá nhiều ảnh hưởng tại châu Âu...
Các sản phẩm của Leifeld chuyên được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức - Ảnh: BBC.
|
Chính phủ Đức ngày 1/8 đã ra quyết định chặn thương vụ thâu tóm một công ty cơ khí của Đức do một công ty Trung Quốc tiến hành, với lý do được đưa ra là lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo tin từ BBC, công ty Trung Quốc có tên Yantai dự định mua công ty sản xuất máy công cụ Đức Leifeld, nhưng thương vụ này đặt ra nhiều lo ngại về chính trị. Các sản phẩm của Leifeld chuyên được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức.
Lời chào mua Leifeld được Yantai rút lại sau khi Berlin phát tín hiệu sẽ kích hoạt những thẩm quyền mới để chặn các vụ thâu tóm doanh nghiệp Đức bởi các công ty nước ngoài.
Năm ngoái, Đức đã siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài vào nước này, cho phép Chính phủ Đức có thẩm quyền rộng lớn hơn trong việc ngăn chặn các vụ thâm tóm. Chặn vụ thâu tóm Leifeld đánh dấu lần đầu tiên quy định mới được đưa vào sử dụng.
Cổ đông chính của Leifeld là ông Georg Koffler nói với hãng tin Reuters rằng Yantai đã rút lại lời chào mua trước khi Berlin tuyên bố phủ quyết thương vụ.
Ông Koffler chỉ trích sự can thiệp này của Berlin, nói rằng: "Chúng tôi tin những lo ngại về an ninh được đưa ra là không hợp lý".
Động thái của Chính phủ Đức diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể giành quá nhiều ảnh hưởng tại châu Âu thông qua các vụ đầu tư. Một số chính trị gia và doanh nhân đã phàn nàn rằng Liên minh châu Âu (EU) quá cởi mở với vốn đầu tư từ nước ngoài, so với những gì Bắc Kinh cho phép đối với các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, tháng 6 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã có bước đi nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, ôtô và nông nghiệp của nước này.
Với động thái chặn thương vụ Yantai-Leifeld, Đức có vẻ như đang "nhập hội" cùng với Mỹ và Canada thể hiện lập trường cứng rắn đối với các thương vụ kinh doanh với Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Mỹ đã cân nhắc các kế hoạch hạn chế vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Sự giám sát này liên quan đến những lo ngại rằng các công ty Trung Quốc, trong đó có những doanh nghiệp quốc doanh, có thể thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ vì mục đích quân sự.
Lần gần đây nhất một công ty Trung Quốc thâu tóm một công ty Đức là vào năm 2016, khi công ty sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc Midea mua lại hãng sản xuất người máy (robot) công nghiệp Kuka.
AN HUY