Vietstock - Sự thật về một chỉ tiêu "vô duyên"
Vô duyên, lừa, bịa là những bình luận về một số chỉ tiêu hàng năm vẫn được Quốc hội quyết định.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, TS. Nguyễn Thị Lan Hương phát biểu tại buổi toạ đàm.
|
Chuẩn bị thẩm tra tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và đánh giá nửa nhiệm kỳ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức toạ đàm để lắng nghe ý kiến chuyên gia.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã hoàn thành ba bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2018, đánh giá giữa kỳ 2016- 2020 và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 12 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua cho 2018 có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt. Một trong bốn chỉ tiêu đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, kế hoạch giao từ 58-60%, ước thực hiện 58,6%. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo từ ba tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo số ước thực hiện đúng bằng số được giao: 23 - 23,5%.
Bình luận về các chỉ tiêu nghe có vẻ khả quan của 2018, TS. Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng nên bỏ chỉ tiêu nói trên. Vì thực tế có người ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) một năm được dạy ba nghề, có cả nhiếp ảnh, sửa xe... rồi về làm việc chả liên quan gì đến những cái đó. Mà, để đào tạo như thế riêng Hà Giang mỗi năm đã tốn mấy chục tỷ, cả nước ít nhất cũng tốn vài trăm tỷ.
Theo ông Du thì khó có thể tin những người đã qua các lớp đào tạo đó có thể thay đổi công ăn việc làm, trong khi chạy theo chỉ tiêu sẽ tạo ra nhiều thứ lệch lạc ở địa phương.
Chỉ tiêu đào tạo nghề hoàn toàn không để làm gì cả, chỉ để nuôi sống một số trung tâm đào tạo nghề, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nhận xét.
Giao chỉ tiêu đào tạo nghề rất vô duyên, rất nhiều nơi hoàn thành nhưng chẳng để làm gì cả, tốn rất nhiều ngân sách, ông Cường bình luận.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, một chuyên gia về lao động, việc làm nhấn mạnh chỉ tiêu lao động qua đào tạo là đánh lừa thiên hạ, chỉ tiêu tạo việc làm mới (một chỉ tiêu từng nằm trong hệ thống chỉ tiêu được Quốc hội thông qua trong nhiều năm, cho đến kế hoạch 2016 thì không còn - PV) cũng là đánh lừa.
Cũng liên quan đến chỉ tiêu "vô duyên", chỉ tiêu "lừa thiên hạ", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, TS. Nguyễn Thị Lan Hương phát biểu: "Chúng tôi nói thẳng, không bao giờ ra được chỉ tiêu về giải quyết việc làm. Cục Việc làm chúng tôi tha thiết bỏ, nhưng cục trưởng cũng chẳng dám bỏ, từ đời chị Chuyền (nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - PV) chả dám bỏ, anh Dung (Bộ trưởng đương nhiệm - PV) cũng chả dám bỏ, Quốc hội cũng chả ai dám bỏ, chả ai dám bỏ.
"Có những cái chỉ là công cụ thôi nhưng chúng ta đưa vào là mục tiêu phấn đấu, nhưng phấn đấu không được bị phê bình hết hơi, chẳng tội gì mà không bịa. Tôi nói thẳng là bịa. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo là bịa, mà chúng tôi bịa, vì chẳng ai theo dõi cả", bà Hương nói tiếp.
Rồi vị chuyên gia trong lĩnh vực lao động "thanh minh" cho việc buộc phải bịa: "Một lần tôi đã bị Bộ trưởng mắng là đáng lẽ phấn đấu đến 2015 phải đạt 50%, mà chúng tôi tính ngược tính xuôi chỉ được 49% thôi, Bộ trưởng báo cáo và bị phê bình, thế nên chẳng tội gì mà không phết lên 50%, chả ai biết 50% là bao nhiêu. Đấy là do người nghe muốn nghe cái gì, chứ không phải do người làm báo cáo. Quốc hội thực sự có dám đối diện với sự thật hay không. Có dám đối diện với sự thật lao động qua đào tạo có mỗi 23% thôi, so với các nước là thua rất nhiều".
Bịa, lừa, đó có thể là những từ rất sốc để nhận xét về một trong số các chỉ tiêu được Quốc hội bấm nút thông qua hàng năm. Và cho dù, như lời bà Hương nói, cơ quan đề xuất có bịa đi chăng nữa thì những chỉ tiêu đó cũng đã được Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội quyết định. Rồi cơ quan thẩm tra "soi", rồi thảo luận tổ, thảo luận hội trường... cũng đều liên quan đến con số đó.
Đáng chú ý hơn, những tranh cãi khá gay gắt liên quan đến chỉ tiêu tạo việc làm mới đã diễn ra từ Quốc hội nhiệm kỳ trước và trước nữa. Suốt chặng đường ròng rã đại biểu cứ nghi ngờ vì kinh tế trồi sụt thế nào thì vẫn có 1,5-1,6 triệu người được tạo việc làm mới, nhưng các bộ liên quan cứ thanh minh là "hợp lý".
Bên cạnh chỉ tiêu qua đào tạo, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhận những phê phán nặng nề khác: dài, lan man, thậm chí là ẩu, cấu trúc mất cân đối, số liệu đá nhau...
Nhưng, theo bà Hương, vấn đề không phải nằm ở khả năng của người viết mà vấn đề là mọi người muốn nghe như thế nào, Quốc hội có dám đối diện với sự thật hay không.
Nguyên Vũ