Vietstock - Tổng bí thư, Chủ tịch nước lần đầu dự họp trực tuyến của Chính phủ
Hôm nay 28-12, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự hội nghị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VGP
|
Theo thông lệ vào cuối năm, Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành để đánh giá, tổng kết nhiệm vụ 2017 và bàn phương hướng thực hiện nhiệm vụ 2018. Nhưng hội nghị hôm nay là lần đầu tiên có sự tham dự của người đứng đầu Đảng.
Theo chương trình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng dự với Tổng bí thư còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thành viên Thường trực Ban Bí thư - chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai, trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình… cũng tham dự.
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội cũng có mặt.
Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018 - Ảnh: VGP
|
Quyết tâm loại trừ tham ô, nhũng nhiễu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, hạn chế, nhất là tình trạng thiên tai nặng nề, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng với quyết tâm, kiên định, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra".
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng đạt 6,81%, chủ yếu nhờ tiềm năng, lợi thế, chứ không đến từ khai khoáng. Môi trường kinh doanh chuyển đổi tích cực. Sự tăng trưởng vượt bậc của chỉ số chứng khoán cho thấy niềm tin của xã hội, thị trường, DN vào kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.
"Nhiều đại án tham nhũng được xử lý nghiêm minh, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Từ đó tạo niềm tin ngày càng lớn hơn về đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển", Thủ tướng nói.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta hài lòng, không cố gắng thì cỗ máy phát triển đó sẽ dừng lại. Do đó cần tiếp tục cố gắng, phát huy các thành tựu đã đạt được để tạo sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn".
Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại như tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, xử lý nợ xấu còn hạn chế, còn nhiều DN thua lỗ… Quy mô nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cải cách hành chính còn bất cập, tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.
"Vấn đề mấu chốt là con người. Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục những hạn chế yếu kém thì trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu bộ máy, con người. Phải phát huy những cán bộ, con người tốt, năng động, phù hợp với công việc", Thủ tướng nói.
"Năm 2018 cần tiếp tục quyết liệt: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ trong sạch, quyết tâm loại trừ tham ô, nhũng nhiễu. Hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp cơ vươn lên. Cán bộ nào lơ là trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết cần được thay thế ngay".
Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ cũng như tất cả các địa phương đều mong Tổng bí thư dự cuộc họp trực tuyến lần này.
"Việc mời Tổng bí thư dự họp và phát biểu chỉ đạo là để có sự đánh giá thêm về những việc làm được và chưa được của cơ quan điều hành trong năm qua. Sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư cũng để khắc phục tình trạng ‘trên nóng dưới không nóng, trên nóng dưới… vẫn lạnh’ hiện nay. Có thông điệp quyết liệt từ người đứng đầu hệ thống sẽ mang lại hiệu quả lớn", ông Mai Tiến Dũng nói.
Hội nghị có khoảng gần 6.000 đại biểu từ các điểm cầu Hà Nội, 63 tỉnh thành, các ủy viên trong Ban Chấp hành trung ương, bí thư các tỉnh thành, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước theo dõi.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị trực tuyến cuối năm này của Chính phủ có thể coi là điều chưa từng có tiền lệ. Bởi trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, từ trước tới giờ Tổng bí thư mới chỉ xuất hiện tại các kỳ họp của Quốc hội với tư cách chủ yếu là đại biểu Quốc hội.
L.KIÊN - T.CHUNG