Vietstock - Dầu WTI đảo chiều sau 2 phiên tăng liên tiếp
Các hợp đồng dầu WTI tương lai quay đầu giảm nhẹ trong ngày thứ Ba (28/08) sau khi tăng 2 phiên liên tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại về những dấu hiệu cho thấy sản lượng sụt giảm và kỳ vọng vào dữ liệu dự trữ dầu thô mới nhất tại Mỹ, MarketWatch đưa tin.
Các chuyên gia phân tích tại ICICI Bank nhận định: “Một loạt các yếu tố như đồng USD suy yếu, niềm tin nhà đầu tư về thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico và lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung trở lại, dường như đang hỗ trợ giá dầu hiện nay, trước khi thị trường chuyển hướng tập trung đến các báo cáo dự trữ dầu thô định kỳ hàng tuần công bố vào cuối ngày hôm nay (28/08) và ngày thứ Tư (29/08)”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex lùi 34 xu (tương đương 0.5%) xuống 68.53 USD/thùng, một ngày sau khi ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 07/08/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn mất 26 xu (tương đương 0.3%) còn 75.95 USD/thùng. Hợp đồng này đã khép phiên ngày thứ Hai tại mức cao nhất kể từ ngày 10/07/2018 và tiếp tục dao động cao hơn giá dầu WTI.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran cùng với sự gián đoạn nguồn cung tại Libya và Venezuela đã hỗ trợ giá dầu gần đây, trong bối cảnh dữ liệu cho thấy sản lượng gia tăng từ các nhà sản xuất chủ chốt như Ả-rập Xê-út - một thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - và nhà sản xuất ngoài OPEC là Nga. Các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu tại Iran sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới, và nhà đầu tư dự báo thị trường dầu có thể bị mất hơn 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, một số người tham gia thị trường kỳ vọng Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất chủ chốt trên thế giới và thành viên lãnh đạo của OPEC, có thể bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào tại Iran, vốn đã đẩy giá dầu tăng cao, Greg Sharenow, Quản lý danh mục tại Pimco, cho biết.
Hôm thứ Hai (27/08), cuộc gọi hội nghị do Ủy ban Giám sát Bộ trường chung các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC chủ trì đã cho thấy mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi đầu năm 2017 của các nước tham gia đạt 109% trong tháng 7, giảm so với mức 121% hồi tháng 6 và 147% trong tháng 5.
Sự không chắc chắn về các yếu tố cung cầu đã làm giá dầu dao động gần đây, như xu hướng này chủ yếu nghiêng về sắc xanh. Các hợp đồng dầu WTI tương lai đã tăng 7 phiên trong 9 phiên vừa qua.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang hướng đến số liệu cập nhật về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ. Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ vào thứ Tư, còn báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Ba.
Một số chuyên gia trong ngành dự đoán dự trữ dầu thô sẽ tiếp tục sụt giảm, mặc dù ở mức độ vừa phải hơn. Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts dự báo nguồn cung dầu thô tại Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/08/2018.
Trong khi đó, đà suy yếu của đồng USD cũng hỗ trợ giá dầu, với chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – hạ 0.1%, qua đó góp phần nâng đà sụt giảm trong tuần lên 0.5%.
Được biết, đồng USD suy yếu có thể làm các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 9 lùi 0.5% xuống 2.079 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 mất 0.2% còn 2.211 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 giảm 0.8% xuống 2.852 USD/MMBtu. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày thứ Tư.
An Trần