Vietstock - Dầu giảm nhẹ khi nguồn cung tại Mỹ giảm thấp hơn dự báo
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã xóa hết đà tăng đầu phiên để khép phiên giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (12/12), sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm tuần thứ 2 liên tiếp, nhưng lại thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường, MarketWatch đưa tin.
Cụ thể, vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1.2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 07/12/2018, thấp hơn rất nhiều so với dự báo sụt 10.2 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo giảm 2.8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Wall Street Journal (WSJ). Nguồn cung tại Mỹ cũng giảm trong tuần trước đó, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong 11 tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex lùi 50 xu (tương đương 1%) xuống 51.15 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh trong phiên là 52.88 USD/thùng. Hợp đồng này đã xóa hết đà tăng đầu phiên ngay sau khi dữ liệu nguồn cung công bố.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn hạ 5 xu (tương đương gần 0.1%) xuống 60.15 USD/thùng.
Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, nhận định: “Sau đà lao dốc từ API, báo cáo của EIA vào sáng hôm nay đã đưa ra kết quả khiêm tốn hơn nhiều. Hoạt động lọc dầu suy giảm đôi chút, nhưng vẫn còn cao hơn gần 500,000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô tiếp tục tăng mạnh, cũng giúp kiểm soát dự trữ dầu thô”.
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng vọt 2.1 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo tăng 1.8 triệu thùng từ một cuộc thăm dò của WSJ. Trong khi đó, dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 1.5 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1.3 triệu thùng từ cuộc thăm dò của WSJ.
Dữ liệu về nguồn cung tại Mỹ công bố khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới chuẩn bị cho kế hoạch cắt giảm sản lượng vào đầu năm tới.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thông báo sẽ cắt giảm tổng sản lượng 800,000 thùng/ngày từ mức sản lượng hồi tháng 10 trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2019. Tổ chức này không nêu rõ chi tiết sản lượng cắt giảm của các thành viên ngoài OPEC, trong đó có Nga, nhưng các hãng tin cho biết các nước này sẽ cắt giảm 400,000 thùng/ngày, để đưa tổng sản lượng cắt giảm đạt 1.2 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, trong báo cáo định kỳ hàng tháng về thị trường dầu mỏ công bố vào ngày thứ Tư, OPEC cho biết sản lượng dầu thô giảm 11,000 thùng/ngày xuống bình quân 32.97 triệu thùng/ngày trong tháng trước. Tuy nhiên, sản lượng của Ả-rập Xê-út, một trong 3 nhà sản xuất hàng đầu thế giới và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất, tăng 377,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 11.01 triệu thùng/ngày.
Giá dầu thô đã nhận được một số hỗ trợ vào đầu tuần này từ sự thiếu hụt nguồn cung tại Libya. Công ty dầu mỏ quốc gia Libya đã tuyên bố một sự kiện không mong muốn xảy ra đối với xuất khẩu dầu từ mỏ dầu El Sharara sau một cuộc tấn công quân sự hồi cuối tuần qua. Các nhà phân tích cho biết sản lượng dầu tại Libya bị mất khoảng 400,000 thùng/ngày bởi vì sản xuất bị gián đoạn tại mỏ dầu lớn nhất Libya.
Thêm vào đó, báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn của EIA hôm thứ Ba (11/12) dự báo giá dầu WTI bình quân trong năm 2018 đạt 65.18 USD/thùng, giảm 2.4% so với dự báo trong báo cáo tháng 11. Cơ quan này cũng cắt giảm triển vọng giá dầu trong năm 2019 sụt 16.4% xuống 54.19 USD/thùng. Về dầu Brent, EIA cũng hạ dự báo giá dầu trong năm 2018 giảm 2.3% xuống 71.30 USD/thùng, trong năm 2019 sụt 15.2% xuống 61 USD/thùng.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 1 mất 1.4% còn 1.42 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 nhích 0.2% lên 1.851 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 sụt 6.2% xuống 4.136 USD/MMBtu, mức thấp nhất kể từ ngày 15/11/2018.
An Trần