Vietstock - CPTPP và giấc mơ thịnh vượng của Việt Nam
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá nhờ có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. CPTPP có thể tạo thêm 20.000-26.000 việc làm/năm. Hội nhập chính là con đường hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan rất hồ hởi nhắc lại những kỷ niệm khi sát cánh cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng nội dung báo cáo Việt Nam 2035, dự báo về "tương lai thịnh vượng".
Chứng kiến cả quá trình dài, bà kể rằng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước đã rất mất nhiều thời gian để nghiên cứu chi tiết về quá trình 30 năm đổi mới (1986-2016), tìm ra những hướng đi mới cho mục tiêu 2035.
Mục tiêu 2035 mà bà Lan nhắc đến, đó là “khát vọng Việt Nam 2035”, về một Việt Nam thịnh vượng, người dân có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới. Tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao, nền kinh tế hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu được coi là một trong những điểm mấu chốt của Việt Nam trong thời gian tới, khi mà Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình cao, 50% dân số sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.
Theo tính toán, để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu 2035, khi mà mỗi người dân có thu nhập trung bình 7.000 USD, Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ít nhất khoảng 6-7%/năm.
Để tăng trưởng cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến việc Việt Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và hiệu quả, hội nhập sâu rộng với thế giới. Nghĩa là Việt Nam phải tạo ra một động lực mới cho tăng GDP, thay vì phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, vốn đầu tư của Nhà nước như trước kia.
Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua được coi là mốc quan trọng trong việc hội nhập. Ở đó, những cam kết thế hệ mới sẽ "thúc" Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình thay đổi chính mình trong việc tìm động lực tăng trưởng mới. CPTPP cũng mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nơi có sân chơi công bằng hơn với các nước lớn.
Nhiều người tin tưởng rằng CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách rõ nét hơn, nhanh hơn hiện tại. Nói cách khác, hiệp định tạo cơ sở Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 2035.
CPTPP tác động như thế nào đến Việt Nam
Là người gắn bó gần 10 năm với quá trình đàm phán CPTPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định với Zing.vn hiệp định sẽ tác động rất rộng đến nhiều lĩnh vực. Ngoài việc mở rộng thị trường đó là vấn đề cải thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh, thiết chế lao động, mua sắm công... Nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn hiện tại.
TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, thì đưa ra con số cụ thể hơn. Ông dự báo do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% vào năm 2035 so với hiện tại.
Nghĩa là, nếu GDP năm 2017 của Việt Nam là 224 tỷ USD, đến năm 2025 sẽ tăng thêm được 4,7% của năm 2017. Điều này đồng nghĩa là GDP sẽ tăng được 10,5 tỷ USD (khoảng 230.000 tỷ đồng). Ông đánh giá đó là một con số rất lớn khi tham gia một hiệp định thương mại tự do.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đánh giá nhờ có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. Kim ngạch nhập khẩu có khả năng tăng 3,8-4,6% và nhiều khả năng nguy cơ thâm hụt thương mại được kiềm chế theo thời gian.
Mức tăng thêm nhập khẩu chủ yếu do tốc độ tăng xuất khẩu tới các nước trong nội khối CPTPP.
Về ngân sách, ông Lương Văn Khôi cho rằng CPTPP có tác động tích cực song không đáng kể (tăng thêm khoảng 0,6%).
Về thu hút FDI, phần đầu tư của 11 nước thành viên CPTPP vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức đầu tư. Trong CPTPP, Nhật Bản là nước có FDI vào Việt Nam là lớn nhất (chiếm 41,5%), tiếp đến là Singapore (38,3%) và Malaysia (11,7%). Các nước khác như Canada, New Zealand, Brunei, Australia chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Theo Chính phủ, CPTPP cũng có thể tạo thêm 20.000-26.000 việc làm/năm cho Việt Nam.
Lạc quan, nhưng ông Khôi cũng nêu ra những vấn đề đặt ra khi CPTPP được thực thi tại Việt Nam. Theo đó, nếu Việt Nam không xử lý tốt vấn đề nguồn gốc xuất xứ trong CPTPP thì mức tăng nhập khẩu sẽ đến chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ không được hưởng lợi nhiều và không tận dụng được cơ hội do CPTPP đem đến.
Việc Mỹ không tham gia TPP khiến FDI vào Việt Nam sẽ giảm đi rất nhiều do mất đi sức hấp dẫn của thị trường lớn này. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam muốn tranh thủ TPP để tận dụng thị trường xuất khẩu vào Mỹ.
Về các ngành kinh tế, ông Khôi cho biết CPTPP cũng có tác động đến việc tăng sản lượng của các ngành là không lớn. “Trong khi những ngành chế tác thâm dụng lao động và những nhóm ngành thâm dụng vốn có tác động tích cực ra, nhóm các ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm có khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực nhẹ”, ông nói.
Ông Khôi lấy ví dụ các ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam kém hơn các nước khác như Australia, New Zealand và mức độ cắt giảm thuế quan so với mức MFN (mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thương - PV) hiện nay là không nhiều. Sản lượng có thể giảm 0,3%, kim ngạch xuất khẩu có thể giảm 8%.
Với nhóm ngành chế biến thực phẩm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng không đáng kể; tốc độ tăng trưởng sản lượng có thể bị giảm khoảng 0,3 đến 0,5 điểm % so với trường hợp không có CPTPP.
Mở cửa ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành này, song lại có tác động lan tỏa, kích thích tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đối với ngành dịch vụ tài chính, năng suất, cụ thể là năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) có sự suy giảm.
Về lao động, những ngành bị ảnh hưởng là sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm và một số ngành dịch vụ. Những ngành được hưởng lợi lớn về việc làm là dệt may, thương mại và các ngành công nghiệp.
Muốn tận dụng CPTPP cải cách mạnh mẽ thể chế
Trong một phiên thảo luận trước Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lo lắng các cơ hội CPTPP có thể không trở thành hiện thực. Ông dẫn bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang cho thấy rất rõ điều này.
Đại diện VCCI phân tích việc biến cơ hội thành lợi ích là vấn đề hoàn toàn khác so với nhận diện cơ hội ấy. Ông đánh giá với các FTA khác, trung bình Việt Nam mới tận dụng được chưa đầy 40% về thuế quan.
Ông hối thúc nhanh chóng cải cách về thể chế, tạo điều kiện thật thuận lợi cho môi trường sản xuất kinh doanh, từ đó mới nâng cao được nội lực và tận dụng được được cơ hội mà CPTPP mang đến.
Đồng tình với điều này, ông Lương Văn Khôi nhấn mạnh các con số chỉ được đưa ra kèm từ “có thể”.
Ông cho rằng hiện thực hóa lợi ích của CPTPP hay không phụ thuộc rất lớn vào việc Việt Nam có thể đẩy nhanh và làm tốt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới thể chế, mô hình tăng trưởng có phù hợp với tốc độ mở cửa trong CPTPP hay không.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải có giải pháp quyết liệt và phù hợp để giải quyết tốt vấn đề "nguồn gốc xuất xứ" trong CPTPP, nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT), lại đánh giá không có ngành nào bị bất lợi hoàn toàn cả, cần tư duy và nhìn thách thức ở góc độ hội nhập.
“Nếu cứ án binh bất động, an nhiên tự tại thì làn sóng toàn cầu hóa, tự do hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn diễn ra mạnh mẽ và gây áp lực với kinh tế nước ta, bất kể ngành nào”, ông nói.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nếu dừng lại hoặc đứng ngoài cuộc cũng không thể được yên ổn mà còn là sự thụt lùi, thua cuộc, thậm chí thua ngay trên sân nhà, vì người ta vẫn cứ tiến lên và bỏ lại chúng ta ở phía sau.
Tuy vậy, ông cho rằng vẫn cần có sự lựa chọn và điều chỉnh trong phát triển mỗi ngành kinh tế. Những ngành sẽ dễ dàng như dệt may, da giầy, đồ gỗ, đồ uống, bánh kẹo… và cũng có ngành sẽ khó khăn hơn như chăn nuôi, mía đường…
“Thuận lợi hay cơ hội không tự nhiên đến mà chỉ trở thành hiện thực nếu ta vượt qua được thách thức, đáp ứng được yêu cầu do hội nhập đặt ra. Tất cả tùy thuộc ở sự nỗ lực cải cách của Nhà nước, sự vươn lên và khả năng thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Thấy rõ được điều đó, chúng ta sẽ có quyết tâm và niềm tin vào triển vọng của việc tham gia CPTPP”, ông nói.
Mục tiêu 2035 gần hơn khi có CPTPP
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong báo cáo Việt Nam 2035, các chuyên gia đã xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam ở các mức khác nhau từ 4-7%/năm.
Nếu tăng trưởng chậm, chỉ khoảng 4%/năm, vào 2035, Việt Nam mới đạt thu nhập bình quân đầu người bằng với Thái Lan (2010) và Trung Quốc (2014). Nói cách khác, nếu kinh tế Thái Lan “đứng yên” ở năm 2010 và Trung Quốc ở năm 2014, đến năm 2035 Việt Nam mới đuổi kịp.
Theo kịch bản tăng trưởng nhanh 7%/năm, vào 2035, Việt Nam mới đuổi kịp Malaysia của năm 2013 và Hàn Quốc của năm 2002. Thậm chí, nếu tốc độ tăng trưởng đạt trên 7%/năm, Việt Nam sẽ đi nhanh hơn nữa và có thể vượt qua Hàn Quốc vào năm 2002 và Malaysia năm 2013.
Kịch bản tăng trưởng thu nhập của Việt Nam đến 2035. Nguồn: WB.
|
Các kịch bản đều là giả định và “có thể” diễn ra hoặc là không. Tuy nhiên, cơ hội để Việt Nam đạt được tăng trưởng cao là hoàn toàn có thật, nhất là khi có CPTPP. Việt Nam sẽ có thị trường rộng mở, thu hút FDI nhiều hơn, tạo thêm sản lượng cho nhiều ngành nghề....
Các chuyên gia đều thống nhất Việt Nam cần những nhân tố đột phá để tạo thêm động lực cho tăng trưởng. Hội nhập kinh tế quốc tế chính là “cú hích” quan trọng tạo thêm động lực đó.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh CPTPP sẽ mang lại động lực gián tiếp để thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, doanh nghiệp Việt khi phát triển lớn mạnh thì cần có sân chơi lớn hơn. CPTPP chính là việc mang lại thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt là sân chơi giữa các nước lớn với nhau.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng mục tiêu thịnh vượng không thể thiếu hội nhập kinh tế quốc tế. Và mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế không thể thiếu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong các hiệp định đó, CPTPP là cơ hội đặc biệt.
Họ, những nhà đàm phán và các chuyên gia kinh tế, đều kỳ vọng CPTPP sẽ khiến cho khát vọng 2035 dễ dàng hiện thực hơn, biến những điều “có thể” thành sự thật.
Hiếu Công
ZING.VN