Vietstock - Mất 10 năm làm thủ tục xây nhà máy điện, doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính khi cấp phép triển khai các dự án cũng như các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: NA |
Sáng 16-1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương, với sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân, ông Lê Thanh Lâm - tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội Gelexinco - cho rằng doanh nghiệp tư nhân có vai trò ngày càng lớn cho nền kinh tế, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Lâm dẫn chứng: Geleximco chính thức đưa vào vận hành thương mại nhà máy nhiệt điện Thăng Long hồi tháng 7-2018, là dự án điện do tư nhân đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, sử dụng công nghệ hiện đại, không bị đội vốn đầu tư, vận hành ổn định, công suất vượt định mức...
Tuy nhiên, ông Lâm cho biết để dự án này đi vào hoạt động, Geleximco phải mất tới 10 năm để làm các thủ tục xin cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí, trong khi bản thân việc xây dựng chỉ có 3 năm.
"Tư nhân đầu tư nghiêm túc, nhưng chưa đủ mà cần có cơ chế chính sách, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành, chính quyền địa phương. Do đó, chúng tôi kiến nghị quan tâm hơn, cụ thể hơn giải pháp nhằm sửa đổi, đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép cho tư nhân được đầu tư vào công trình dự án quan trọng", ông Lâm nói.
"Đặc biệt trong lĩnh vực điện, khi nguy cơ thiếu điện là hiện hữu, doanh nghiệp nhà nước không thể triển khai nhanh, thì cần khai thác nguồn lực tư nhân".
Trước đó, thông tin về tình hình hoạt động của ngành năm 2018, thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết ngành đã có những cải cách, cơ cấu lại bộ máy, đổi mới về tư duy, phương thức trong quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, ngành cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam", ông Vượng nói.
"Trong nước, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế, chưa tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu..."
Để đạt mục tiêu năm 2019, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển.
Đó là tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu trong ngành gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ và thực chất.
Ngành công thương sẽ rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách theo hướng bền vững trên cơ sở khai thác khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tư nhân.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu...
NGỌC AN