Vietstock - Nông sản cứ chạy từ vườn ra chợ
Chỉ cần một viên bột nước mía, hòa với nước rồi cho đá viên vào là thành nước mía tươi. Nước mía còn có thể sấy khô thì tại sao rau quả trái cây của chúng ta cứ chạy từ vườn ra chợ, ra cửa khẩu...?
VN cần đầu tư vào chế biến sâu nông sản
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Vấn đề xây dựng ngành công nghiệp chế biến được đặt ra hàng thập niên qua, đến giờ vẫn vướng đủ thứ.
Từ chuyện ly nước mía sấy
Làm sao cho nông dân hiểu rằng phải sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, an toàn với người sử dụng và cả môi trường thì sản phẩm mới bán được với giá cao PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông Lâm TP.HCM) |
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, đơn vị sản xuất nước mía sấy, ví von: “Có thể nhìn sản phẩm đó là một bức ảnh mà chúng tôi chụp lại vào đúng khoảnh khắc nó tươi ngon nhất. Còn nước mía ép ra nếu sấy theo cách thông thường đúng là thành đường mía. Để thành nước mía, chúng tôi áp dụng công nghệ sấy ở nhiệt độ thấp - sấy lạnh. Kỹ thuật này có thể sấy khô nước đá, thậm chí định hình nó theo mong muốn”. Không chỉ nước mía sấy, Vinamit còn có sản phẩm sữa chua sấy, phối trộn với nhiều nguyên liệu khác nhau.
Hiện giá một tấn mía chưa tới 1 triệu đồng, một ký đường từ 15.000 - 18.000 đồng tùy loại nhưng 150 gr bột nước mía khô giá tới 100.000 đồng. Điều này cho thấy khi đầu tư vào chế biến, sản phẩm nông nghiệp sẽ có giá trị gia tăng rất cao so với bán thô, xuất thô như cách làm hiện nay của chúng ta.
Khảo sát một vòng các siêu thị, các điểm bán hàng tại TP.HCM, hiện có khá nhiều nhà sản xuất tham gia chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây. Từ những loại quen thuộc như: mít, xoài, khóm, vải, mãng cầu, sầu riêng, thanh long, chuối… đến cóc, ổi, mận, vỏ cam, quýt, chanh dây… với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Trung bình một sản phẩm chế biến đóng gói 100 gr có giá từ 30.000 - 40.000 đồng, tương đương một ký tươi. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến có tăng so với trước nhưng vẫn còn ít, quy mô hạn chế. Đặc biệt, ít DN có hướng phát triển sản phẩm đột phá mà thường đi theo các công nghệ chế biến truyền thống của các nước như mít sấy khô kiểu Thái Lan, hồng sấy dẻo kiểu Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này làm cho sản phẩm của VN kém tính cạnh tranh ngay trên sân nhà khi người tiêu dùng trong nước đã quen với các sản phẩm ngoại.
Nông dân không “gặp” doanh nghiệp
Hiện cả nước có gần 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng chỉ có 7.600 DN trực tiếp sản xuất; số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 96%. Vốn DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ khoảng 8 - 10% tổng vốn đầu tư của các DN. Chỉ có gần 5% số DN được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. |
Dù một số DN đã đầu tư vào chế biến nhưng nhìn chung, đa số nông sản của VN vẫn bán thô, xuất thô. Đó là nguyên nhân nông sản trong nước thường rơi vào tình trạng ế đồng, dội chợ, năm nào cũng phải giải cứu. Theo các DN, để đưa nông sản vào chế biến, điều quan trọng là kiểm soát chất lượng đầu vào, đạt tiêu chuẩn. Nhưng thực tế, nông dân đa số sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên rất khó thu mua chế biến. Chính vì vậy, DN nào đầu tư vào công nghiệp chế biến là phải tự xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết với các nông dân có quy mô tương đối. Điều này khiến quy mô sản xuất khó phát triển mạnh. Có thâm niên hơn 30 năm làm nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên thừa nhận, đến giờ số lượng nông dân hợp tác, liên kết được rất ít.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông Lâm TP.HCM), nói thẳng: Cứ duy trì thực trạng hiện nay, nông sản Việt sẽ mất dần các thị trường cao cấp và phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường Trung Quốc. Để giải quyết thực trạng đó, không cách nào khác ngoài tổ chức lại sản xuất. “Làm sao cho nông dân hiểu rằng phải sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, an toàn với người sử dụng và cả môi trường thì sản phẩm mới bán được với giá cao”, TS Ngãi nói.
GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định, trong nông nghiệp cũng đang diễn ra cuộc cách mạng lần thứ 4 dựa trên sự phát triển của các lĩnh vực khoa học khác. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu vấn đề đơn giản là ứng dụng các loại thiết bị máy móc hiện đại, điện tử tin học vào nông nghiệp thì chưa đúng. Cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4 chính là sự hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và người sử dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Tại Thái Lan, nông dân đang được hướng dẫn sử dụng các biện pháp sinh học trong quá trình sản xuất lúa nhằm giảm giá thành và tăng chất lượng; với họ đó mới là công nghệ nông nghiệp 4.0.
Chí Nhân