Vietstock - Khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ “nhấn chìm” thị trường mới nổi trong ngày thứ Hai "điên rồ"
Tác động của cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ đang lan rộng ra khắp các thị trường mới nổi, kéo chứng khoán và tiền tệ xuống mức thấp nhất trong ít nhất 1 năm.
Đồng Lira dẫn đầu đà trượt dốc trong số các đồng tiền trên toàn cầu, sau khi các động thái đầu tiên để thúc đẩy hệ thống tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là không đủ để bảo vệ thị trường. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, tỏ ý thách thức đối với Mỹ, loại bỏ phương án nâng lãi suất và cũng cho biết sẽ không chấp nhận gói cứu trợ quốc tế. Do đó, các chuyên viên giao dịch (trader) đã bán đổ bán tháo các tài sản Thổ Nhĩ Kỳ, và cả những quốc gia đang phát triển khác. Mức biến động ngụ ý 1 tháng (one-month implied volatility) của đồng Rand tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2015, còn đồng Peso của Argentina chạm mức 30 đổi 1 USD.
“Đây lại là một ngày thứ Hai đầy suy sụp”, Jordan Rochester, Chiến lược gia tiền tệ tại Nomura International ở Luân Đôn, cho hay. “Chúng tôi xem xét qua danh sách các phương án lựa chọn mà họ có để ngăn chặn tình trạng hiện nay: Nó bao gồm nâng lãi suất, cầu cứu IMF và khôi phục niềm tin thị trường vào đồng Lira. Không may là tất cả mọi thứ đều đi theo hướng khác”.
Nỗi lo sợ về tác động lan truyền của cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ mồn một trong ngày thứ Hai (13/08) trong lúc các trader đang phải vật lộn với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác là Nga và Trung Quốc. Dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp diễn, nhưng mối tương quan giữa nó và các loại tài sản còn lại có thể sớm suy giảm.
“Các thị trường mới nổi đã chứng kiến làn sóng bán tháo quy mô lớn trong giai đoạn 4-7/2018 và diễn biến tiêu cực ở Thổ Nhĩ Kỳ rồi cũng sẽ bị cô lập khi xét tới tình trạng mất cân bằng nước ngoài của họ so với phần lớn các quốc gia thị trường mới nổi”, các chuyên gia phân tích của JPMorgan viết trong báo cáo gửi tới các khách hàng.
Trên thực tế, Argentina đã thực hiện các động thái khẩn cấp để ổn định đồng nội tệ khi xuất hiện làn sóng bán tháo ở thị trường mới nổi vì khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, họ đã nâng lãi suất (vốn đã ở mức cao nhất trên thế giới) thêm 5% và phác thảo kế hoạch để loại bỏ các trái phiếu ngắn hạn.
Cho dù điều gì sẽ diễn ra với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi đi chăng nữa, phần lớn ngân hàng trung ương có thể không phản ứng với đà giảm tiền tệ gần đây, khi lạm phát vẫn đang thấp ở phần lớn quốc gia, theo ông Edward Glossop thuộc Capital Economics ở Luân Đôn.
“Có một vài ngân hàng trung ương có vẻ hốt hoảng hơn như Mexico, Nam Phi và Indonesia”, Chuyên gia kinh tế Edward Glossop cho hay. “Nếu chúng tôi không nhầm thì các đồng tiền sẽ ổn định trở lại trong vài tuần tới, các nhà hoạch định chính sách ở Mexico và Nam Phi nên tránh nâng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Nhưng Indonesia lại là một trường hợp ngoại lệ. Với cuộc họp kế tiếp diễn ra vào ngày thứ Tư (15/08), các bất ổn gần đây sẽ không kịp giảm bớt”.
Rối loạn thị trường ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ xóa sạch đà tăng của thị trường chứng khoán mới nổi trong tháng 7/2018, mà còn đẩy giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016. Với hệ số P/E dự phóng 12 tháng là 10.8 lần, hệ số P/E chỉ số MSCI Emerging Markets Index đang ở mức thấp hơn cả thời điểm sau đợt bán tháo hồi quý 2/2018.
Cổ phiếu ở các thị trường đang phát triển có khả năng tiếp tục biến động mạnh và cũng không có dấu hiệu của sự ổn định để thu hút những nhà đầu tư săn hàng giá rẻ sau đà bán tháo trong ngày thứ Hai (13/08), theo UBS Asset Management.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)