Vietstock - TPHCM quyết đóng cửa tất cả lò mổ heo thủ công trong năm nay
Đến ngày 30-9, ngoại trừ cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ), tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu trên địa bàn TP HCM sẽ phải chấm dứt hoạt động.
Chỉ đạo trên được UBND TP HCM nêu rõ trong Quyết định số 300/QĐ-UBND về việc bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn vừa ban hành ngày 21-1.
Cụ thể, đến ngày 30-9, TP sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn với tổng công suất 13.000 con/ngày.
Cũng đến ngày 30-9, ngoại trừ cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) được duy trì hoạt động để cung cấp sản phẩm cho người dân huyện Cần Giờ, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu còn lại (gồm cơ sở Sơn Vàng, Phước Kiến, Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á) sẽ phải chấm dứt hoạt động. Toàn bộ hoạt động giết mổ heo được đưa vào 6 nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn Củ Chi và Hóc Môn với tổng công suất giết mổ 10.000 – 15.000 con/ngày.
Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn được duy trì giết mổ thủ công với công suất 1.500 con/ngày song song với hoạt động giết mổ công nghiệp tại Nhà máy Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) đến hết ngày 30-9.
Đến ngày 31-12-2019 sẽ đưa vào hoạt động 2 nhà máy giết mổ gia cầm công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi, đồng thời ngưng hoạt động Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn. Cũng đến 31-12, nhà máy giết mổ bò, dê, cừu tại huyện Hóc Môn với công suất 50 con bò/giờ, 200 con dê/giờ cũng được đưa vào vận hành.
Dự kiến, đến năm 2020 tổng công suất giết mổ của các nhà máy khoảng 15.530 con heo/ngày (tương ứng 1.052 tấn heo/ngày); 300.000 con gia cầm (tương ứng 450 tấn thịt/ngày) và 300 con bò/ngày (tương ứng 45 tấn thịt/ngày); có thể đáp ứng 100% nhu cầu tiêu dùng thịt heo và gia cầm của người dân TP.
Với Quyết định 300, TP công khai kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến công nghiệp, vùng cơ sở an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; giới thiệu các nhà máy giết mổ công nghiệp để các cơ sở giết mổ thủ công có kế hoạch di dời theo đúng lộ trình kế hoạch đã phê duyệt.
Việc đóng cửa các lò mổ thủ công, chuyển sang giết mổ công nghiệp 100% giúp kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn
|
Cùng với đó, TP cũng triển khai đồng loạt giải pháp về an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại như tăng cường quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, kiểm tra chặt các điều kiện vệ sinh thú y, quản lý sản phẩm động vật theo chuỗi từ nguyên liệu đến bàn ăn, xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, giết mổ và phân phối đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp giết mổ xây dựng thương hiệu và quảng bá giới thiệu sản phẩm. Các giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ, chính sách cũng được chú trọng thực hiện. Trong đó, UBND TP chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp; ưu đãi mức vay, thời hạn, lãi suất…
Theo UBND TP, việc xây dựng kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu giết mổ phục vụ tiêu thụ lớn của người dân TP cũng như công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, vận chuyển kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh sức khỏe người dân TP.
Đầu năm 2016, TP HCM có 21 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (trong đó chỉ có 1 cơ sở giết mổ gia cầm). Thực hiện lộ trình ngưng hoạt động các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu theo Quyết định số 2032/QĐ-UBND và những quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, 10 cơ sở giết mổ gia súc đã ngưng hoạt động.
Đến nay trên địa bàn TP vẫn còn 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, trong đó có 10 cơ sở giết mổ tập trung tại Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Gò Vấp với công suất bình quân hằng đêm khoảng 6.330 con heo, 82.000 con gà.
Theo Quyết định 2032, trong năm 2018, TP sẽ đưa vào hoạt động 7 nhà máy giết mổ gia súc (gồm 6 nhà máy giết mổ heo, 1 nhà máy giết mổ bò) và 2 nhà máy giết mổ gia cầm quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý khi thực hiện dự án nên tiến độ xây dựng không bảo đảm.
Đến nay, chỉ nhà máy giết mổ gia súc Tân Thới Thượng do Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ tháng 2-2018, 2 nhà máy hoàn thành thủ tục pháp lý và đang triển khai thi công xây dựng (nhà máy của Công ty TNHH Lộc An và nhà máy của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV). Dự kiến trong quý 1 này sẽ có thêm 2 nhà máy hoàn thành thủ tục pháp lý và trong năm nay sẽ có thêm 4 nhà máy giết mổ gia súc hoàn thành đi vào hoạt động.
Cũng trong năm nay, 2 nhà máy giết mổ gia cầm công nghiệp (của Công ty TNHH Phạm Tôn và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV) sẽ được vận hành.
Theo UBND TP HCM, việc thực hiện các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, chồng chéo và mất nhiều thời gian. Do các dự án chưa hoàn thành nên đến nay các cơ sở giết mổ thủ công vẫn hoạt động nhưng trong tình trạng cầm chừng, ngại đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nên việc tuân thủ các quy định về giảm thiểu mùi hôi, tiếng ồn, công tác vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong công tác quản lý. Song song đó, có hiện tượng dịch chuyển hoạt động giết mổ từ TP HCM về các tỉnh lân cận nên hoạt động giết mổ tại TP không tăng so với kế hoạch quy hoạch đề ra. |
Thanh Nhân