Vietstock - Kinh tế Hồng Kông mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Hồng Kông từ lâu đã quảng bá “bản thân” là cánh cổng đến với Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Mỹ. Khi cuộc chiến thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới thì điều này lại trở thành vấn đề lớn đối với Hồng Kông.
Với việc chuyển các nhà máy của mình qua biên giới từ nhiều thập kỷ trước để hưởng lợi từ lao động giá rẻ, Hồng Kông giờ lại bị mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các sản phẩm đi tới Trung Quốc và Mỹ có thông qua Hồng Kông chiếm gần 10% trong tổng 500 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nước này trong năm 2017, theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC).
Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu chiếm gần 1/5 GDP của nền kinh tế nội địa, và tâm lý về Trung Quốc đại lục ngày một xấu đi có thể ảnh hưởng tới Hồng Kông theo nhiều cách khác nhau – đáng chú ý nhất là chi tiêu du lịch. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại cũng là một mối đe dọa tới thị trường bất động sản vốn đang có dấu hiệu bong bóng của nước này. Trước tình cảnh đó, nền kinh tế Hồng Kông trông thật mong manh.
“Đây là hai quốc gia giao thương lớn nhất trên thế giới và họ tiến hành thương mại thông qua chúng tôi để kết nối với quốc gia khác”, Nicholas Kwan, Giám đốc Nghiên cứu tại HKTDC, cho hay. “Vì vậy, khi họ xung đột, rất nhiều quốc gia trung gian bị tổn thương và chúng tôi là trung gian nổi bật nhất giữa hai quốc gia này”.
Tác động tức thì của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong năm nay thật khó để tách biệt với các hoạt động vốn đang trong quá trình suy giảm. Thế nhưng, rõ ràng là các chỉ số như thông lượng container sẽ tiếp tục bị tác động nếu cuộc chiến thương mại kéo dài.
Trong quý 2/2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 3.5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 4.6% của quý 1, dựa trên dữ liệu Chính phủ Hồng Kông. Nhìn về phía trước, chỉ số PMI Nikkei Hồng Kông tiếp tục suy giảm trong tháng 9/2018.
HKTDC đã giảm bớt dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 từ 6% xuống còn 3% sau khi chỉ số tâm lý xuất khẩu tháng 9/2018 giảm kỷ lục, từ mức mở rộng 54.1 trong quý 2/2018 xuống mức 35.8 trong quý 3/2018. Nếu chỉ số này dưới 50 thì cho thấy hoạt động xuất khẩu đang bị thu hẹp.
Số liệu trên càng thể hiện tình trạng ảm đạm đang bủa vây thị trường thương mại Hồng Kông, nhất là ở phần khúc điện tử quan trọng. Đây là phân khúc giảm mạnh nhất từ 55.2 (quý 2/2018) xuống 35.4, báo cáo trên cho biết. Lĩnh vực này chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Nỗi lo ngại về thương mại xuất hiện vào đúng thời điểm khó khăn, khi Hồng Kông phải gánh chịu tác động từ đà giảm tốc của Trung Quốc và chi phí đi vay ngày càng gia tăng vì chính sách tiền tệ Hồng Kông có mối tương quan cao với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) do neo tiền tệ.
“Chúng tôi không thể trông đợi vào chính sách tiền tệ”, Iris Pang, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc đại lục tại ING Bank NV ở Hồng Kông, cho hay. “Chúng tôi buộc phải phụ thuộc vào các biện pháp kích thích tài khóa và đây là thời điểm hợp lý để Chính phủ Hồng Kông tiến hành chi tiêu tài khóa”.
Pang đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hồng Kông năm 2018 từ 4.9% xuống còn 3.6% trong tháng 8/2018 vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và cũng giảm mục tiêu năm 2019 và 2020 nếu xung đột tiếp tục. Bà Pang hiện dự báo tăng trưởng Hồng Kông sẽ ở mức 2.6% vào năm tới và 2.5% vào năm 2020. Standard Chartered Bank và United Overseas Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay.
Bên cạnh những tác động trực tiếp lên các cảng biển và ngành logistics, một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể làm giảm doanh số bán lẻ và việc làm, Pang cho hay. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã và đang tăng trưởng trên 10% trong phần lớn thời gian của năm nay. Đó là nhờ lượng khách du lịch lớn từ Trung Quốc đại lục.
Pang ước tính, có tới 1/3 hoạt động kinh tế ở Hồng Kông bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - trung, trong đó những doanh nghiệp Hồng Kông đang điều hành nhà máy ở trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ bị tác động cực kỳ nghiêm trọng. Một nền kinh tế nội địa suy yếu, lãi suất cao hơn và triển vọng ảm đạm hơn có thể là góp phần tạo nên điểm đảo chiều đối với thị trường bất động sản Hồng Kông – một trong số những thị trường đắt đỏ nhất thế giới.
Edward Yau, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông, cho biết trong ngày thứ Năm (04/10) rằng, các giải pháp tức thời để giải quyết những khó khăn từ cuộc chiến thương mại có lẽ không có sẵn, sau khi tuyên bố hỗ trợ thêm về tín dụng cho các công ty nhỏ hơn.
“Cả về vai trò khu vực thương mại và lợi ích của quốc gia, chúng tôi lo ngại liệu có hiệu ứng lan truyền và tổn thất ngoài dự kiến hay không”, Yau cho hay. “Tôi nghĩ, trong ngắn và trung hạn, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)