Vietstock - Rất khó giảm lãi vay trung dài hạn
Ngày 16-6, UBND TP HCM và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn 5 tháng đầu năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP đến 31-5, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh theo chương trình kết nối đã đạt hơn 124.327 tỉ đồng cho 4.138 khách hàng vay vốn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP, chương trình này đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất hợp lý, giúp giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt nhiều DN vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay do điều kiện về tài sản bảo đảm, phương án tài chính… cũng có thể kết nối với NH thương mại và được hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp. Các NH thương mại đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục tín dụng nhằm giúp DN thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay mà vẫn bảo đảm không phát sinh nợ xấu.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cho biết từ đầu năm đến ngày 30-4, có 21 chi nhánh của VietinBank đã đăng ký tham gia chương trình kết nối NH - DN với tổng doanh số giải ngân đạt 49.272 tỉ đồng, đứng đầu trong các NH thương mại tham gia chương trình tại TP. Riêng ngày 16-6, VietinBank đã ký kết hợp đồng hỗ trợ tín dụng hơn 8.000 tỉ đồng cho hơn 100 DN trong các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn TP.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhận xét chương trình kết nối NH và DN thời gian qua đã giúp nhiều DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ NH với mức lãi suất hợp lý. Có điều, mức lãi suất ưu đãi chủ yếu là lãi suất cho vay ngắn hạn trong khi lãi vay trung dài hạn còn khá cao. Hiện mức lãi vay trung dài hạn xoay quanh 9%/năm khiến các DN trong nước khó cạnh tranh nếu so với DN nước ngoài, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Do lãi suất cho vay trung dài hạn thường chỉ thấp trong khoảng thời gian đầu, sau đó thả nổi theo thị trường nên rất khó để các DN mạnh dạn đầu tư dự án trung dài hạn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. "Nhiều DN mong muốn xu hướng lãi suất tốt hơn và đặc biệt có thể giảm lãi vay trung dài hạn để DN tăng sức cạnh tranh trong tình hình hiện nay" - ông Dũng nói.
Nhìn nhận thực tế này nhưng lãnh đạo nhiều NH thương mại chia sẻ rất khó để đưa ra mức lãi vay trung dài hạn trong thời gian cố định. Phó tổng giám đốc một NH quốc doanh phân tích nhu cầu gửi tiền của người dân, DN chủ yếu là kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Mới đây, một số NH thương mại tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng lên mức 7%-8%/năm nhằm thu hút tiền gửi dài hạn từ dân cư nhưng không phải người nào cũng sẵn sàng gửi kỳ hạn 2-3 năm. Với mức lãi suất đầu vào này, rất khó có cơ hội để giảm thêm lãi vay trung dài hạn. Chưa kể hiện biên độ chênh lệch huy động - cho vay của một số NH chỉ còn từ 0,8%-1,5% nên càng khó giảm hơn nữa. Dư địa giảm lãi vay lúc này có thể đặt trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt và quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, hiệu quả hơn...