Vietstock - Thu từ dịch vụ ngân hàng: “Năng nhặt chặt bị”
Nhắc đến hoạt động ngân hàng người ta không còn chỉ nghĩ đến yếu tố sống còn là thu từ cho vay nữa, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh mảng dịch vụ, góp nhặt từng “đồng lẻ” để tích tiểu thành đại với khoản thu về không hề nhỏ.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của một số ngân hàng 6 tháng đầu năm
ĐVT: tỷ đồng
|
“Năng nhặt” từ việc mở rộng dịch vụ
Thông thường thu từ dịch vụ của ngân hàng bao gồm thanh toán, ngân quỹ, cho thuê kho, chi trả kiều hối, nghiệp vụ ủy thác/đại lý, bảo hiểm và các khoản thu khác... Dù thu từ phí các dịch vụ chỉ là những “đồng bạc lẻ” so với nguồn thu chính của ngân hàng từ lãi nhưng nhờ mở rộng dịch vụ và đối tượng cùng việc “năng nhặt chặt bị” mà ngân hàng cũng thu về khoản kha khá cho hầu bao của mình.
Sacombank (HOSE: STB) là ngân hàng có tỷ trọng đóng góp của lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất là 25% so với nhiều nhà băng khác và mang về 830 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017. Đồng thời, khoản lãi từ dịch vụ của Sacombank cũng tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng cho biết nguồn thu từ dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử... vẫn ở mức cao và tăng trưởng ổn định, riêng số lượng khách hàng đạt hơn 3.9 triệu, tăng gần 10% so với đầu năm.
Lãi từ dịch vụ qua các quý của Sacombank
ĐVT: tỷ đồng
|
Ngân hàng MB (HOSE: MBB) và VPBank có khoản lãi từ dịch vụ gần tương đương nhau trong khoảng 630-660 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6-10% tổng các khoản lãi. Tuy nhiên, mức tăng của MBB lên đến 140% trong khi lãi từ dịch vụ của VPBank tăng 84% so với cùng kỳ năm trước.
Còn các “ông lớn” đã công bố báo cáo tài chính như Vietcombank hay BIDV có khoản lãi thu từ hoạt động dịch vụ lên đến 1,300-1,400 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 22-24% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng lãi từ dịch vụ của hai “ông lớn” này chiếm 8-9% tổng các khoản lãi từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Mặc dù không công bố thuyết minh các khoản thu từ dịch vụ trong nửa đầu năm 2017, nhưng đối chiếu theo BCTC 2016 của các ngân hàng này, chiếm tỷ trọng cao trong thu từ dịch vụ đến từ hoạt động thanh toán và thu khác. Như vậy, ngoài mảng hoạt động dịch vụ truyền thống không thể thiếu của mỗi ngân hàng là thanh toán thì nhiều ngân hàng đang mở rộng các hoạt động dịch vụ nhằm chăm sóc “tận răng” cho các thượng đế của mình. Điển hình như các sản phẩm thẻ, dịch vụ internet banking, dịch vụ ngân hàng qua điện thoại, ủy thác thanh toán hóa đơn, bao thanh toán, quản lý tài sản…
Theo xu hướng chung, nhiều ngân hàng đang tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ của mình, bởi nếu dịch vụ cung cấp tốt thì khách hàng cũng sẽ ưu tiên các hoạt động khác như gửi hay vay tiền tại ngân hàng.
Như trường hợp của một khách hàng có mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau cho biết khi gọi điện thoại cho tổng đài một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TPHCM và ngay khi nhân viên trực bắt máy đã chào đích danh tên mình thì bất ngờ và cảm thấy thân thiện, thoải mái. Trong khi đó, vị khách này đến một nhà băng khác vì muốn đổi mật khẩu thẻ thì nhận được yêu cầu đóng phí và quyết định đóng luôn tài khoản tại đây.
Tiền thu từ kênh bảo hiểm không nhỏ
Một điểm đáng chú ý khác là thu từ bảo hiểm cũng đang dần tăng trong hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng.
Theo BCTC 2016, thu dịch vụ của BIDV có khoản khá lớn đến từ hoạt động bảo hiểm. Bảo hiểm cũng là khoản thu chính trong hoạt động dịch vụ của VPBank. Còn với MBB, trong nửa đầu năm 2017 thu từ dịch vụ bảo hiểm là lớn nhất với 780 tỷ đồng, chiếm phân nửa thu từ hoạt động dịch vụ (trước đó nửa đầu năm 2016 MBB không có khoản này).
Như vậy, ngoài mảng hoạt động dịch vụ truyền thống của mỗi ngân hàng thì xu hướng những năm gần đây hoạt động bảo hiểm với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cũng đã được nhiều nhà băng chú trọng, thậm chí đóng góp tỷ trọng chủ đạo cho những ngân hàng không có thế mạnh về hệ thống mạng lưới hay tài khoản thanh toán.
Trong mảng bảo hiểm, BIDV đã có công ty con/liên doanh là Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) (51% vốn), Công ty liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) (33% vốn) hay Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife (37.5% vốn). Ngân hàng MB có công ty con Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (61%), Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) (69.5%). Còn tại VPBank, Ngân hàng này cung cấp nhiều gói bảo hiểm hợp tác với những công ty bảo hiểm khác như Bảo Việt Nhân thọ, Công ty bảo hiểm PJICO, Công ty bảo hiểm Liberty, Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI)…
Với Sacombank, trong giai đoạn 2017-2020 Ngân hàng này đang có kế hoạch lập công ty công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh đối tác nước ngoài, mua lại hoặc lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Mới đây, Sacombank và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong việc sử dụng sản phẩm dịch vụ, tăng cường giới thiệu phát triển khách hàng, trong đó có việc Vietnam Post cung cấp cho Sacombank dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ.