Vietstock - Giá dầu WTI phục hồi hơn 2% sau đà rơi tự do
Giá dầu Mỹ tăng hơn 2% vào ngày thứ Tư (21/11), xóa bớt phần nào đà giảm 6.5% trong phiên hôm qua, nhờ thông tin dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh và kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đạt kỷ lục.
Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn còn cảnh giác cao độ, khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lên tiếng cảnh báo về tình trạng bất ổn chưa từng thấy trên thị trường dầu, vì môi trường kinh tế khó khăn và rủi ro chính trị.
Tính tới lúc 17h ngày thứ Tư (21/11 – giờ Việt Nam), hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 0.94 USD (tương ứng 1.5%) lên 63.47 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 1.11 USD (tương ứng 2.08%) lên 54.54 USD/thùng.
Diễn biến trên thị trường năng lượng vào lúc 17h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Đà hồi phục của giá dầu diễn ra sau khi một báo cáo từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) được công bố vào cuối ngày thứ Ba (20/11) cho biết dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ bất ngờ giảm 1.5 triệu thùng xuống 439.2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/11/2018.
Ngoài ra, việc kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đạt mức kỷ lục gần 5 triệu thùng/ngày cũng hỗ trợ cho giá dầu.
Tuy nhiên, đà phục hồi trong ngày thứ Tư (21/11) dường như chẳng thể làm xoay chiều thị trường chung, trong đó giá dầu thô giảm hơn 6% trong phiên trước giữa lúc thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo nặng nề.
“Nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn và rất mong manh”, người đứng đầu IEA, Fatih Birol, cho biết trong ngày thứ Ba (20/11).
Trong ngày thứ Tư (21/11), ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs cho biết đà lao dốc của giá dầu mới đây phản ánh “nỗi lo về tình trạng dư cung trong năm 2019 và cả làn sóng bán tháo khắp thị trường hàng hóa và tất cả các loại tài sản, khi nỗi lo về tăng trưởng tiếp tục gia tăng”.
Khi sản lượng dầu không ngừng tăng và triển vọng nhu cầu ngày càng giảm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang kêu gọi cắt giảm sản lượng 1-1.4 triệu thùng/ngày để tránh lặp lại tình trạng dư cung trong năm 2014.
“Chúng tôi cho là đà giảm sẽ tiếp diễn cho tới khi các phản ứng từ OPEC+ (06/12) và hội nghị thượng đỉnh G20 trở nên rõ ràng hơn”, Ashley Kelty, Chuyên viên phân tích dầu tại ngân hàng đầu tư Cantor Fitzgerald Europe, cho hay.
Tình trạng dư cung
Bất chấp kỳ vọng về khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu Brent và dầu WTI vẫn giảm tương ứng 28% và 30% so với đầu tháng 10/2018 và toàn bộ cấu trúc của đường cong giá kỳ hạn đã thay đổi.
Đường cong hợp đồng kỳ hạn dầu Brent rơi vào trạng thái bù hoãn bán (backwardation) trong tháng 10/2018, ngụ ý giá giao ngay cao hơn giá kỳ hạn. Điều này làm việc trữ dầu trở nên kém hâp dẫn.
Tuy nhiên, sau đó, đường cong này đã dần chuyển sang trạng thái bù hoãn mua (contango), tức giá giao ngay thấp hơn giá kỳ hạn.
“Đà phục hồi của giá dầu sẽ làm đường cong kỳ hạn của dầu Brent trở về trạng thái bù hoãn bán (backwardation)”, Goldman Sachs cho hay.
James Mick, Chuyên gia quản lý danh mục năng lượng tại công ty đầu tư Mỹ Tortoise, cho hay một phần của vấn đề nguồn cung xuất phát từ đà tăng của sản lượng tại Mỹ.
Sản lượng dầu thô tại Mỹ đã nhảy vọt gần như 25% trong năm nay, lên mức kỷ lục 11.7 triệu thùng/ngày, chủ yếu là nhờ đà tăng của sản lượng dầu đá phiến.
James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, nhận định: “Trong các yếu tố góp phần vào đà lao dốc, dự trữ xăng dầu tháng 10 tại Mỹ vẫn trên mức bình quân 5 năm và đà sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran lại thấp hơn dự báo. Thị trường cũng đang trải qua giai đoạn nhu cầu suy yếu trong mùa thu”.
“Tuy nhiên, nếu giá ở bất cứ nơi nào gần với giá ngày hôm nay, khi các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhóm họp vào ngày 06/12/2018, tôi kỳ vọng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng. Giá dầu càng thấp thì khả năng cắt giảm càng cao”, ông Williams chia sẻ thêm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)