Vietstock - Sự khó lường của ông Trump bắt đầu phản tác dụng
Là một doanh nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thấy điểm mạnh của mình ở việc sẵn lòng giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, nhưng ông lại thường hay thay đổi quan điểm của mình. Trong các mối quan hệ quốc tế, sự khó lường đó có thể là một trở ngại rất lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Trong vài ngày gần đây, những lần đảo ngược quan điểm chính sách đột ngột của ông Trump, từ hàng rào thuế quan cho tới Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện, đã dẫn tới lời phàn nàn từ các đồng minh và cả đối thủ của Mỹ. Những chiến thuật thương lượng linh hoạt như thế - được thể hiện rõ trong cuốn sách “Nghệ thuật Đàm phán” của ông Trump (năm 1987) – đã khiến họ hoài nghi về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là đối tác thương lượng và trong một số trường hợp là đối tác an ninh.
“Nhiều đại biểu sẽ bắt đầu nêu ra những câu hỏi mà họ đã đưa ra từ năm 2017 về tính nhất quán của Mỹ và quyết tâm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên những nguyên tắc của họ”, John Chipman, Tổng Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở Luân Đôn, cho hay.
Các động thái của ông Trump đã đẩy các mối quan hệ liên minh lâu dài vào tình thế căng thẳng và tạo cơ hội cho Trung Quốc – một quốc gia đã soán ngôi Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia châu Á – để mở rộng phạm vi tiếp cận của họ. Trước các mối đe dọa áp thuế từ phía Mỹ trong tháng 4/2018, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên trong 8 năm.
Nhận xét về cách tiếp cận của ông Trump, Chủ tịch của Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker, phải thốt lên “Tôi cảm thấy lạc lối” trong ngày thứ Năm (31/05), trước thời điểm Mỹ xác nhận sẽ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm lên Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Trong ngày thứ Năm (31/05 - giờ địa phương), chính quyền Donald Trump quyết định áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), động thái mới nhất trong chuỗi các chính sách bảo hộ thương mại nhằm kiểm soát các hành vi được cho là lạm dụng thương mại.
Thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm sẽ có hiệu lực vào giữa đêm ngày thứ Năm (31/05 – giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, nói với các phóng viên.
Những động thái ghi dấu ấn trong tâm trí của các đại biểu là quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, từ bỏ việc đình chiến thương mại với Trung Quốc, và hủy bỏ - sau đó lại đổi ý - về hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un.
Trung Quốc là quốc gia gần đây nhất lên tiếng sau khi ông Trump cho biết sẽ áp thuế lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, mặc dù vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ của ông đã tuyên bố cuộc chiến thương mại tạm dừng.
“Mỗi lần thay đổi quan điểm trong mối quan hệ quốc tế thì sẽ làm giảm mức độ tín nhiệm của quốc gia đó”, ông Hua Chunying, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho hay.
Một đối tác thất thường
Trong cùng ngày hôm đó, Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật Bản – cũng bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ về kế hoạch áp lệnh trừng phạt thương mại lên Nhật Bản vì lý do an ninh quốc gia. Abe – người tích cực gầy dựng mối quan hệ với ông Trump – cho biết thật không thể chấp nhận được khi Mỹ đưa ra động thái đó với một trong những đối tác quân sự thân cận nhất.
Trong ngày thứ Ba (29/05), Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad – người vừa lên nắm quyền trong tháng 5/2018, cho biết ông không muốn gặp gỡ Donald Trump. “Tôi không biết phải làm việc như thế nào với một người thay đổi quan điểm của mình chỉ qua một đêm”, ông nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)