Vietstock - Thị trường Nhật: Dễ mà khó
Là thị trường lớn nhưng Nhật Bản chỉ đem lại lợi nhuận ở mức vừa phải cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai về rau quả, thứ ba về thủy sản của Việt Nam và được kỳ vọng là thị trường tiềm năng cho hạt điều, chè, thủ công mỹ nghệ.
Chọn sầu riêng xuất khẩu sang Nhật Ảnh: AN NA
|
Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê (Hà Nội; đang xuất khẩu khoai sọ, đậu tương sang Nhật), cho biết lĩnh vực được khách hàng Nhật Bản đặc biệt quan tâm là nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Thậm chí, đối tác là Tập đoàn Nosui còn cử chuyên viên trực tiếp hỗ trợ sản xuất theo đúng quy trình, chất lượng khách hàng yêu cầu. "Nếu đầu tư bài bản, tuân thủ quy trình sản xuất, sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… thì tương lai xuất khẩu rất sáng sủa. Chỉ riêng sản phẩm khoai sọ, công ty chế biến tới đâu là khách Nhật nhập hết tới đó" - bà Hiền thông tin.
Chuyên gia công hàng thủy sản cao cấp cho thị trường Nhật, doanh thu xuất khẩu Công ty CP Sài Gòn Food liên tục tăng. "Chúng tôi phải tăng quy mô nhà máy để đáp ứng đơn hàng. Gần đây, đối tác phải tăng cường vận chuyển bằng máy bay để kịp tốc độ bán hàng ở siêu thị Nhật" - bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, hào hứng nói.
Theo bà Lâm, Nhật Bản là thị trường khó tính nhất nhưng lại rất dễ làm do quy định rõ ràng, minh bạch và nhất quán. DN Nhật luôn cử người đến tận nhà máy của DN Việt Nam giám sát, hỗ trợ nên DN xuất khẩu rất yên tâm, không phải lo lắng chuyện hàng đến cảng mới phát hiện không đạt. Đặc biệt, nếu đồng hành và tạo được niềm tin trong kinh doanh thì bạn hàng Nhật rất chung thủy.
Tuy vậy, theo nhiều DN, Nhật Bản không phải thị trường có thể đem lại lợi nhuận lớn. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (chuyên xuất khẩu hồ tiêu, cà phê), thị trường Nhật chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong cơ cấu thị trường của DN. Công ty ông thường xuyên từ chối các đơn hàng từ Nhật vì hiệu quả thấp. "Người Nhật chỉ mua hàng trong hệ thống DN của họ, DN nước ngoài chỉ có thể bán cho các công ty trung gian dù chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn. Cùng một thời gian chăm sóc khách hàng, doanh số từ một DN châu Âu có thể đạt 50 triệu USD trong khi DN Nhật chỉ đạt từ 100.000 - 200.000 USD" - ông Thông lý giải.
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, xuất khẩu chuối tươi sang Nhật - cũng cho rằng Nhật Bản là thị trường đòi hỏi khắt khe về các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng giá mua không cao mà chỉ ở mức hợp lý. Có nhiều thời điểm, giá bán chuối tại siêu thị Nhật còn thấp hơn giá bán lẻ ở Việt Nam.
Mặt khác, bản thân các DN trong nước cũng chưa đầu tư được công nghệ theo yêu cầu của khách hàng dẫn đến nhiều cơ hội đưa hàng sang Nhật bị bỏ qua. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Quan hệ quốc tế Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, cho biết trái cây Việt muốn sang được thị trường Nhật cần xử lý hơi nước nóng, tránh côn trùng xâm nhập. Do đó, hiện mới chỉ có thanh long, xoài và chuối có mặt tại thị trường cao cấp này.
Hoài Dương - Vương Ngọc