Vietstock - “Thẻ vàng” hải sản: thách thức và cơ hội cho mở rộng thị trường
Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện ngành đánh bắt hải sản để được cấp lại "thẻ xanh" sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) đưa ra "thẻ vàng" trước đó. Ông Cormac O'Sullivan, một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực thủy sản, cho rằng thẻ vàng là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và cải thiện chất lượng.
Ngày 17-1, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Các tiêu chuẩn trong ngành thủy sản - những yêu cầu và thách thức mới" do Công ty SGS Việt Nam tổ chức. Ông Cormac O'Sullivan, Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Nuôi trồng và Thủy sản toàn cầu thuộc Tập đoàn SGS, một trong những diễn giả, đã có cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Online xung quanh vấn đề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Ông đánh giá ra sao về vấn đề “thẻ vàng” mà thị trường châu Âu đặt ra với Việt Nam?
- Ông Cormac O'Sullivan: Vấn đề “thẻ vàng” hàng thủy sản nhập khẩu mà châu Âu đặt ra với Việt Nam có cả thách thức và cơ hội. Thách thức vì ở châu Âu họ không nhập khẩu hàng bị “thẻ vàng” hoặc hạn chế nhập khẩu hàng bị “thẻ vàng”. Nên Việt Nam Nam phải làm rất nhiều việc để giữ cho được thị trường khó tính này. Cơ hội là Việt Nam có thể tìm được thị trường mới ở châu Á như Trung Quốc chẳng hạn, nếu họ chấp nhận sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước phù hợp với tiêu chuẩn của họ, thay vì Việt Nam phải đưa hàng đi xa qua châu Âu hoặc Mỹ. Tôi không khuyến cáo Việt Nam ngừng xuất khẩu thủy sản qua châu Âu, tuy nhiên hãy nhìn nhận thách thức cũng là một cơ hội để tìm kiếm thị trường mới.
Vậy nhà sản xuất Việt Nam nên chọn những tiêu chuẩn quốc tế nào trong số ba tiêu chuẩn ông vừa giới thiệu?
- Theo tôi, hiện tại ngành thủy sản có ba tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi là Global GAP, BAP và ASC. Vì thế, tùy theo yêu cầu của nhà tiêu thụ và khả năng của mình mà mình chọn một trong ba loại giấy chứng nhận đó sao cho phù hợp với khả năng của mình và yêu cầu của thị trường.
Theo ông, thách thức với nhà sản xuất Việt Nam trong việc đạt các tiêu chuẩn này ra sao?
- Hiện nay nhiều nhà sản xuất của Việt Nam chưa có những giấy chứng nhận này, điều đó không có nghĩa là không sản xuất. Tuy nhiên những loại giấy chứng nhận này là công cụ để chỉ cho khách hàng thấy rõ các số liệu cụ thể trong sản xuất của mình để họ quyết định có chọn sản phẩm của mình hay không. Đó là sự khác nhau giữa có và không có giấy chứng nhận trong sản xuất thủy sản.
Hôm nay, ông có nói về “truyền thông tiêu cực” đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Thực hư chuyện này ra sao, nhất là ở châu Âu?
- “Truyền thông tiêu cực” đối với ngành thủy sản không chỉ có đối với Việt Nam mà cho tất cả các nước sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Một số chương trình rất thành công vì có chứng cứ đưa ra để khách hàng thấy được đúng chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu chúng ta chứng minh được điều tích cực thì chúng ta sẽ thắng lợi.
Ông vẫn lạc quan về các nhà cung cấp thủy sản của Việt Nam?
- Như tôi đã nói, tiềm năng thị trường chung rất lớn. Như ở Mỹ nhập hơn 90% lượng thủy sản để tiêu dùng, châu Âu hơn 60%. Có 4 loài họ nhập nhiều nhất là cá hồi, cá tra, cá ngừ và cá rô phi thì ở Việt Nam đã có 2 loài là cá rô phi và cá tra.
Xin cảm ơn ông!
Tập đoàn SGS là một tổ chức chuyên về giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, thành lập năm 1878, với hơn 90.000 nhân viên và hơn 2.000 văn phòng, phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. SGS Việt Nam hoạt động từ năm 1989. Từ tháng 9-1997, SGS Việt Nam trở thành Công ty giám định, thẩm tra và thử nghiệm độc lập 100% vốn nước ngoài. Hiện SGS Việt Nam có hơn 900 nhân viên làm việc tại 10 văn phòng và phòng thí nghiệm tại Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM và Cần Thơ. |
Huỳnh Kim