Vietstock - Đầu mối quản nợ công: Ba không xong, một cũng khó!
“Nếu Quốc hội thấy có phương án hiệu quả hơn thì Chính phủ không thể từ chối được”.
Dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói như thế, nhưng tại phiên thảo luận chiều 17/8 về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn không thể nhận “quả bóng” được chuyền sang, là quyết định về đầu mối quản lý nợ công.
Một hay cả ba?
Trước đó, thảo luận tại kỳ họp thứ ba, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (ba bộ cùng quản).
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ quan soạn thảo và uỷ ban còn có ý kiến khác nhau về vấn đề lớn: đầu mối quản lý nợ công.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.
Ủy ban thẩm tra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu theo hướng quy định rõ: Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công và điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để bảo đảm xác lập rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay; bảo đảm nhất quán trong công tác quản lý, huy động, vay vốn trong nước cũng như vay vốn nước ngoài.
Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện huy động, đàm phán, ký kết hiệp định khung và đàm phán, ký kết các hiệp định cụ thể; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về đầu tư công, đề xuất nhu cầu sử dụng vốn vay cho đầu tư công trong cân đối tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước là đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định vay, thực hiện quản lý ngoại hối theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Được hỏi quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu lại thông tin mà ông đã hơn một lần trình bày, là bộ này chỉ đề xuất một đầu mối, vừa theo thông lệ quốc tế vừa khắc phục hạn chế hiện nay.
“Đang thực hiện tinh giản biên chế và có nguyên tắc 1 việc 1 người làm mà ta thì 1 việc 3 người làm. Chúng tôi chấp hành ý kiến Chính phủ nhưng Quốc hội hoàn toàn có quyền, Quốc hội có phương án hiệu quả hơn thì Chính phủ không thể từ chối được”, Bộ trưởng Dũng thể hiện quan điểm.
Nhưng, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì: “Chính phủ không đá quả bóng đó qua đây được”.
Bởi theo bà Ngân thì Chính phủ chưa bám sát tinh thần nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Nhấn mạnh chỉ Việt Nam mới có “ba ông” cùng quản lý nợ công, vì nhiều năm rồi bộ nào cũng cố giữ không chịu “nhả”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. “Lý giải việc giữ như nguyên như hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan là không thuyết phục”, bà nhấn mạnh.
Trả lại để làm rõ “lợi - hại”
Tuy nhiên, một số ý kiến khác còn băn khoăn, cho rằng cần nghe hết nỗi lòng các bộ, vì việc ba bộ quản lý đã tồn tại cả mấy chục năm, “cũng chưa có kiện tụng gì”, nên lấy phiếu của đại biểu Quốc hội...
“Ý kiến đã khác nhau thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần ngồi lại với nhau”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý.
Thêm một lần đứng dậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định có những việc ba bộ cùng làm không thể nói là tốt mà thực sự “quá không tốt”.
“Nghị quyết 07 nói rất rõ, không nên đưa ra Quốc hội lấy phiếu mà cần thống nhất chủ trương từ Bộ Chính trị, ai lại đưa ra lấy phiếu 5 ăn 5 thua”, ông Dũng nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trả lại Chính phủ để yêu cầu làm rõ “lợi - hại” mô hình quản lý phân tán hiện nay. “Không thể ngược lại xu hướng cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, phải vì lợi ích chung chứ không vì bộ nào ngành nào”, bà phát biểu.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ phải đánh giá tác động của cả hai hướng một và ba đầu mối quản nợ công, và lần sau Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ xem xét nội dung này.