Vietstock - Tăng trưởng thế giới phụ thuộc vào nợ của Trung Quốc?
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Daniel Moss trên Bloomberg View
Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục đạt được mục tiêu của mình? Thế giới nên hy vọng như thế, Bloomberg cho hay.
Nếu không có gói kích thích khổng lồ của quốc gia này hồi năm 2008, một trong những chất xúc tác của đợt dư thừa tín dụng mà gần đây đang gây ra rất nhiều lo ngại, thì thế giới có lẽ đã phải mất lâu hơn mới hồi phục trở lại từ cuộc khủng hoảng tài chính. Và có thể rằng sự hồi sinh mà chúng ta giờ đang chứng kiến sẽ trở nên yếu hơn, với ít tiềm năng hơn cho sự tăng tốc trong tương lai.
Tăng trưởng trong các nền kinh tế lớn của thế giới trước giờ là chủ đề của nhiều lời chỉ trích; hãy tưởng tượng xem nó có thể đã tệ hơn nhiều đến mức nào. Giờ đây, sự hồi phục đó hiện ở năm thứ 8, và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nó đang trông có vẻ vững chắc hơn.
“Núi” nợ của Trung Quốc là một lý do quan trọng. Kích thích kinh tế không những đã giữ cho Trung Quốc tăng trưởng từ 6.5% đến 7%, mà còn tạo nên một bệ đỡ cho nền kinh tế toàn cầu, trong khi Mỹ dường như đang bị kẹt quanh mức 2%. IMF đã nâng dự báo của mình dành cho Trung Quốc trong năm nay nhờ sự hỗ trợ tài khóa liên tục của nước này. Năm tới, có lẽ IMF cũng sẽ cập nhật lại dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, khi phần lớn cho thấy một kỳ vọng rằng cơ quan chức trách sẽ hoãn lại sự điều chỉnh tài khóa cần thiết.
Tuy nhiên, IMF cũng đề cập đến nợ của Trung Quốc như là một mối đe dọa lớn: Không xử lý được vấn đề này là một trong những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng trung hạn. Không giải quyết được chuyện này có thể dẫn đến một sự giảm tốc nghiêm trọng sẽ phát tán ra khắp thế giới.
Việc mở rộng tài khóa và chương trình kích thích mà giữ cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Bạn không thể chỉ trích một quốc gia vì mức nợ cao mà không thừa nhận vai trò của nó trong việc hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Cũng đáng lưu ý rằng những nhà đầu tư giá giảm ở Trung Quốc từng chỉ trích “núi” nợ đó đã vượt quá mức cho phép. Có cảm giác như chúng ta đã chuyển từ lạc quan về tăng trưởng của Trung Quốc sang bi quan quá mức. Trong năm 2015 và 2016, những “rung lắc” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã suýt đánh sập thị trường này. Và rồi, các con số đó đều là “giả” hoặc “bịa đặt”.
Thậm chí đã có than phiền khi lĩnh vực dịch vụ bắt đầu chiếm hơn phân nửa GDP của Trung Quốc. Đó là một sự thay đổi được hầu hết các thông cáo kinh tế và bộ trưởng tài chính trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt mức nào.
Nếu xét đến kỷ lục đạt được mục tiêu của Trung Quốc thì quốc gia này có thể xứng đáng được dự báo tăng trưởng ở tốc độ hiện tại. Đôi khi, nó có thể gần mức 7% hơn, và có lúc gần với mức 6.5% hơn, nhưng gần với những gì được kỳ vọng. Cùng với những bước tiến của lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng hộ gia đình, thì điều đó cũng không tệ.
Và các quan chức Trung Quốc dường như ý thức rõ về những mối nguy hiểm này. Gần đây họ đã nhắc đến “tê giác xám” (gray rhinos): những mối đe dọa có tác động lớn, rất dễ tưởng tượng ra. Mọi người sẽ thấy chúng đến nhưng thường không chuẩn bị cho chúng. Wang Zhijun, một quan chức tài chính, đã đề cập một số đe dọa này, trong đó có bong bóng bất động sản, ngân hàng ngầm (shadow banking), doanh nghiệp quốc doanh mắc nợ “đầm đìa” và việc huy động vốn bất hợp pháp.
Nếu Trung Quốc tiếp tục đạt được mục tiêu – và Mỹ, châu Âu cũng như Nhật Bản vẫn giữ được quỹ đạo tăng trưởng hiện tại – thì có thể rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức 3% đến 4%/năm. Thoạt nhìn, mức này cũng không phải là tăng trưởng “nóng”, nhưng nó phù hợp với mức trung bình kể từ năm 1980, và khi nhìn lại, có một vài năm khá tốt trong khoảng thời gian ấy.
Câu hỏi lớn hơn là: liệu chúng ta có thể trở lại các mức tăng trưởng rất nóng (hơn 5%) mà thế giới từng chứng kiến trong một vài năm trước thảm họa 2008? Chúng ta thậm chí có muốn thế không, dù biết rằng chuyện gì xảy ra tiếp theo sau đó.