Vietstock - Sếp Amazon: 'Dệt may, da giày Việt Nam có thể bán tốt'
Amazon đã chính thức vào Việt Nam thông qua hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp kỹ năng bán hàng.
Tại buổi công bố hợp tác chiều 14/1, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc tham gia vào chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon (Amazon Global Selling) giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu của tập đoàn này, đồng thời là cơ hội tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử này ra toàn thế giới.
Cụ thể, phía Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com. Cùng đó, đơn vị này cũng giúp phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử và đào tạo các doanh nghiệp Việt về thương mại điện tử, để xuất khẩu hàng hoá và học kỹ năng bán hàng trên Amazon.
Kênh bán hàng trực tuyến Amazon vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt kỹ năng bán hàng trên kênh thương mại điện tử này. Ảnh: EPA
|
Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á - Bernard Tay đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu khu vực có khả năng xuất khẩu hàng hóa trên Amazon.
"Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công... là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon", ông Tay nói.
Tuy nhiên, ông Bernard Tay cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng xu hướng hàng hóa trên thế giới, nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu.
Trong khi đó, tuân thủ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng là những yêu cầu, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn xuất khẩu, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử toàn cầu. "Các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật... đều có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hàng hoá, sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hoặc bán ra nước ngoài đều buộc phải tuân thủ", ông Vũ Bá Phú nói.
Việc hợp tác với Amazon lần này, theo ông Phú cũng là kênh xúc tiến thương mại mới bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, khi các chi phí tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế thường đắt đỏ, không phải đơn vị nào cũng "gánh" được.
Tháng 3/2018, những thông tin đầu tiên vê việc Amazon đổ bộ vào Việt Nam được phát đi, song đây là những hợp tác chính thức đầu tiên được các bên công bố. Việt Nam hiện là thị trường thu hút nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài. Trước Amazon, Alibaba (NYSE:BABA) của tỷ phú Jack Ma cũng lấn sâu hơn vào Việt Nam qua việc mua lại Lazada.
Nguyễn Hoài