Vietstock - Gần tiến tới thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc chuyển sang ưu tiên cải cách kinh tế
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc vừa ăn mừng khi đã giúp nền kinh tế nước nhà thoát khỏi tình trạng “hạ cánh cứng” (hard landing) trong bối cảnh đang chiến tranh thương mại với Mỹ. Ngoài ra, họ đã quyết định tập trung vào các “cải cách cấu trúc” để thúc đẩy nền kinh tế thay vì đưa ra thêm gói kích thích.
Hôm thứ Sáu (19/04), Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan cầm quyền gồm 25 thành viên dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình – đã đánh giá lại tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 1/2019 và kết luận rằng niềm tin đã trở lại và thành quả kinh tế là tốt hơn dự báo, Tân Hoa Xã ghi nhận.
Trọng tâm sẽ dịch chuyển sang “cải cách và mở cửa kinh tế” cũng như “tái cấu trúc”, dựa trên thông tin từ cuộc họp Bộ Chính trị - vốn được tổ chức vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn đàm phán thương mại cuối cùng.
Mặc dù tuyên bố trên không đề cập tới cuộc xung đột thương mại với Mỹ, nhưng việc đặt trọng tâm vào các cuộc cải cách có lẽ là để “chiều lòng” Mỹ trong việc thực hiện thay đổi cấu trúc kinh tế.
Ding Shuang, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc trưởng tại Standard Chartered Bank, cho biết tuyên bố này là một động thái phản ứng trước những nỗi lo ngại ở quê nhà và ở nước ngoài về cuộc cải cách cấu trúc của Trung Quốc trong lúc chiến tranh thương mại với Mỹ.
“Tuyên bố trên tái khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc cải cách trong nước”, ông Ding cho biết.
Thể hiện sự thay đổi đáng kể so với các cuộc họp trước đây của Bộ Chính trị Trung Quốc, tuyên bố ngày thứ Sáu (19/04) không hề đề cập tới “ổn định việc làm, tài chính, thương mại, đầu tư nước ngoài, đầu tư và kỳ vọng”. Điều này thể hiện động thái quản lý kinh tế khẩn cấp của Trung Quốc để cải thiện tăng trưởng có lẽ đã kết thúc.
“Các gói kích thích sẽ khá yếu ớt và cuộc cải cách sẽ mạnh”, Liang Zhonghua, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô tại Viện Nghiên cứu Chứng khoán Zhongtai, cho hay. Liang cho biết các quan chức cấp cao đã truyền tải tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế không còn ưu tiên hàng đầu sau khởi đầu năm 2019 mạnh bất ngờ.
Ông Ding cho biết, các nhà tạo lập chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cũng bớt lo ngại về tăng trưởng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 6.4% trong quý 1/2019, vượt hầu hết ước tính và nằm ở mức trên của phạm vi tăng trưởng 6-6.5% của năm 2019, mặc dù nhiều biện pháp thúc đẩy, bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng, vẫn chưa phát huy tác dụng.
Các chỉ báo lớn khác trong tháng 3/2019 – từ sản lượng công nghiệp cho tới chỉ số PMI – đều cho thấy đà hồi phục trên diện rộng ở nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Tuy nhiên, nền kinh tế đã ổn định trở lại khi Bắc Kinh sử dụng tới các chiến lược chi tiêu vốn khổng lồ được thúc đẩy bằng các khoản cho vay dễ dàng – một mô hình dưới sự dẫn dắt của Nhà nước có lẽ ngày càng kém hiệu quả, lãng phí và không bền vững.
Theo tuyên bố của Bộ Chính trị, Trung Quốc sẽ cố gắng thúc đẩy “cải cách phía cung” và “giảm đòn bẩy” – vốn là những chính sách kinh tế mang dấu ấn của ông Tập, nhưng đã bị tạm hoãn trong mùa hè năm trước khi Bắc Kinh chuyển sang tập trung ngăn chặn đà giảm tốc kinh tế.
“Vẫn còn áp lực suy giảm đối với nền kinh tế Trung Quốc, xuất phát từ các yếu tố chu kỳ và quan trọng hơn là các vấn đề cấu trúc và tổ chức”, trích từ tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ cố gắng ổn định nền kinh tế và tình huống xã hội thông qua “các diễn biến mới trong việc mở cửa và cải cách và tái cấu trúc”.
Đặc biệt hơn, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết chính sách tài khóa chủ động của Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào tính hiệu quả, trong khi chính sách tiền tệ sẽ mang hơi hướng cẩn trọng.
Các quan chức cấp cao nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ, đồng thời mở cửa thị trường Trung Quốc cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không dung thứ cho các khoản đầu tư và mua bất động sản mang tính đầu cơ vì bất động sản là để ở chứ không phải để đầu cơ. Tuy nhiên, họ sẽ ủy quyền quản lý thị trường bất động sản cho các chính quyền thành phố và mỗi chính quyền sẽ sử dụng biện pháp của riêng họ để triển khai chỉ đạo của Bắc Kinh.
Vũ Hạo (Theo SCMP)