Vietstock - Mây đen u ám bao trùm, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu lần thứ ba trong 6 tháng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 giữa lúc triển vọng từ hầu hết các nền kinh tế phát triển có vẻ u ám hơn và dấu hiệu về khả năng áp thêm thuế đang gây áp lực lên hoạt động thương mại.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất của IMF, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.3% trong năm nay, giảm từ mức 3.5% mà IMF đã dự báo trong tháng 1/2019. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái. Chỉ trong vòng 6 tháng, IMF đã 3 lần hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
“Đây quả là thời khắc nhạy cảm” của nền kinh tế toàn cầu, Gita Gopinath – người vừa trở thành Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF trong thời gian gần đây – cho biết tại cuộc họp báo ở Washington. Triển vọng năm tới là khá bấp bênh, bà cho hay.
Khối lượng hàng hóa và dịch vụ giao thương trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 3.4% trong năm nay, yếu hơn mức 3.8% của năm 2018 và giảm từ ước tính 4% trước đó của IMF.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, trước khi đạt đỉnh ở mức 3.6% từ năm 2020, theo IMF. Hàng loạt diễn biến đáng khích lệ đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư về nền kinh tế toàn cầu trong vài tuần gần đây. Trong đó, có thể kể tới quyết định trì hoãn nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dữ liệu sản xuất đầy lạc quan của Trung Quốc và đà tăng trưởng vượt dự báo của thị trường lao động Mỹ.
Dù vậy, IMF vẫn cảnh báo rủi ro đang nghiêng về hướng suy giảm, trong đó hàng loạt mối đe dọa đeo bám lấy nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả khả năng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ và Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận chuyển giao, hay còn gọi là kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Phục hưng hay suy yếu? Nền kinh tế toàn cầu đang truyền tải những tín hiệu trái chiều
“Giữa lúc đà tăng trưởng toàn cầu dần chậm lại và ‘kho đạn’ về các biện pháp chính sách để chống lại suy thoái có vẻ khá hạn chế, việc tránh đưa ra bước đi sai lầm về chính sách – vốn có thể gây hại tới hoạt động kinh tế – cần phải là ưu tiên chính”, IMF nhận định.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế thế giới đang đối mặt với “một khoảnh khắc nhạy cảm” khi các bộ trưởng tài chính và các nhà lãnh đạo NHTW chuẩn bị tụ họp ở Washington trong tuần này để tham dự vào cuộc họp giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Mặc dù các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng kỳ vọng hai bên tiến tới một thỏa thuận, nhưng các chuyên viên phân tích vẫn còn lo ngại về tình hình của nền kinh tế toàn cầu 10 năm sau khủng hoảng tài chính. Tuần trước, bà Lagarde cho biết IMF không cho rằng suy thoái sẽ xảy ra trong ngắn hạn.
Hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống 2.3% trong năm nay, giảm 0.2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2019 của quỹ này. Việc hạ dự báo phản ánh những tác động của tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ – vốn đã kết thúc hồi tháng 1/2019 – cũng như đà tăng trưởng chậm hơn dự báo của chi tiêu công. Tuy nhiên, quỹ lại nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 lên 1.9%, tăng 0.1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2019, vì Fed đã chuyển sang lập trường kiên nhẫn hơn về lãi suất.
Ngoài ra, IMF còn hạ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro (Eurozone) xuống 1.3% trong năm nay, giảm 0.3 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm 3 tháng trước đó. Tăng trưởng được cho là sẽ chậm lại ở một vài nền kinh tế lớn ở châu Âu, có cả Đức – khi nhu cầu ảm đạm hơn và các tiêu chuẩn khí thải xe hơi khắc nghiệt hơn đã gây tác động tới hoạt động sản xuất của nước này. Triển vọng của Italy và Pháp cũng chẳng khá hơn là mấy.
Chưa dừng lại ở đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Vương quốc Anh xuống 1.2% trong năm nay, giảm 0.3 điểm phần trăm so với dự báo của 3 tháng trước.
IMF lại nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0.1 điểm phần trăm lên 6.3% trong năm nay, nhưng lại hạ dự báo của Nhật Bản bớt 0.1 điểm phần trăm xuống 1%.
Trong năm nay, tăng trưởng của Ấn Độ bị IMF hạ xuống 7.3%, từ mức dự báo 7.5% hồi tháng 1/2019.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)