Vietstock - 2019 có thể là một năm rất tốt của chứng khoán Mỹ?
Có khả năng là những gì đã diễn ra trong năm 2018 có thể đảo chiều vào một thời điểm nào đó trong năm 2019, mang lại nhiều “luồng gió thuận chiều” thúc đẩy chứng khoán.
Sau khi ghi nhận tháng 12 giảm mạnh nhất kể từ năm 1931 và một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chứng khoán Mỹ bước sang năm 2019 với sự ngập ngừng khó tả và có thể còn biến động mạnh khi hiệu ứng từ những phiên biến động điên cuồng của cuối năm 2018 vẫn còn. Chỉ số S&P 500 ở mức 2,495 điểm, giảm 6.6% trong năm và lao dốc 9.6% trong tháng 12/2018.
Trong quý cuối của năm 2018, thị trường giảm vì những nỗi lo về đà giảm tốc về kinh tế cũng như lợi nhuận doanh nghiệp, và những đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc chiến thương mại chỉ làm đẩy nhanh đà giảm tốc. Thế nhưng, phần lớn chiến lược gia Phố Wall có tham gia cuộc thăm dò của CNBC vẫn giữ lại quan điểm lạc quan về thị trường con bò ở nước Mỹ. Họ cho rằng thị trường con bò có thể kéo dài thêm một năm nữa, với mức dự báo trung bình cuối năm 2019 là 3,000 điểm – tức tăng 20% so với thời điểm hiện tại.
“Dựa trên những yếu tố cơ bản, tôi không nghĩ đà giảm hiện nay là hợp lý. Tôi nghĩ thị trường có khả năng tăng mạnh từ đây. Do đó, chúng tôi sẽ nghĩ là thị trường hiện đã tạo đáy”, Jonathan Golub, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Credit Suisse, nhận định. Một yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ là hệ số P/E đã giảm xuống dưới 15 lần, từ mức 18.4 lần tại thời điểm đầu năm. Mục tiêu của ông Golub đối với S&P 500 trong năm 2019 là 2,925 điểm.
Thế nhưng, dù thị trường đã có nhiều phiên tăng mạnh trong thời gian gần đây, một số chuyên gia cho rằng thị trường vẫn có thể biến động mạnh về cả hai phía tăng và giảm.
Ed Keon, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và chuyên gia quản lý quỹ tại QMA, rõ ràng cảm thấy lạc quan hơn về thị trường, nhưng cho rằng thị trường vẫn còn nhiều rủi rỏ lớn. Ông kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ không cao trong năm 2019, trong khi đó Phố Wall kỳ vọng mức tăng trưởng 7-8%.
Keon cho biết, tháng 12 là một trong những tháng ông giao dịch nhiều nhất, sau khi ông quyết định bán một phần chứng khoán vào ngày 03/12/2018 sau bữa ăn tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào ngày 01/12/2018.
“Đó là tháng rất sôi động. Chúng tôi không thường thực hiện giao dịch quá lớn trong thời gian 1 tháng. Chúng tôi vẫn đang cẩn trọng, vậy mà lại mua quá dữ dội trong tuần trước”, Keon cho hay.
Triển vọng về Fed
Thị trường chứng khoán Mỹ tỏ ra sợ sệt về lộ trình nâng lãi suất của Fed trong năm 2018, nhưng trên thị trường tương lai, các trader lại không cho là Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Vè phần năm 2020, thị trường cho là xác suất giảm lãi suất còn cao hơn cả xác suất nâng lãi suất.
Tại cuộc họp chính sách tháng 12/2018, Fed dự báo nâng lãi suất 2 lần trong năm tới. Thế nhưng, điều thực sự khiến thị trường rung sợ là những nhận định của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán như hiện nay. Một số chuyên gia thị trường tin rằng chương trình chính sách của Fed đang rút thanh khoản ra khỏi thị trường và từ đó có thể tác động gián tiếp tới thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng chấm dứt chương trình mua tài sản khổng lồ của họ.
“Trong năm 2018, chúng ta phải đối mặt với việc Fed thắt chặt các điều kiện tiền tệ. Năm 2019, Fed có lẽ sẽ chấm dứt nâng lãi suất”, Golub cho biết. “Fed đang báo hiệu một điều gì đó không đồng bộ với thị trường. Đó là yếu tố khiến thị trường lao đao… Thị trường tin Fed sẽ chấm dứt nâng lãi suất trong năm 2019. Đây là một yếu tố tích cực hơn năm 2018”.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ suy giảm, khi giá dầu rớt gần 40% trong quý 4/2018.
“Chúng ta khởi đầu năm 2018 bằng một thị trường rất đắt đỏ và năm nay, chúng ta lại có một thị trường rất rẻ. Do đó, thị trường có thể bất ngờ tăng mạnh”, Golub nhận định.
Thị trường đang ngóng chờ cuộc họp bàn tròn giữa ông Powell và các cựu chủ tịch Fed là Janet Yellen và Ben Bernanke để tìm kiếm thông tin về các động thái chính sách liên quan tới bảng cân đối kế toán và lãi suất. Ngoài ra, biên bản họp tháng 12/2018 của Fed có thể mang lại nhiều thông tin hơn.
Triển vọng thương mại
Về phần triển vọng thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tweet về một số diễn biến tích cực vào cuối tuần trước. Vào đầu tháng 12/2018, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý đình chiến thương mại cho tới ngày 01/03/2019 và nếu không có được một thỏa thuận thì Mỹ sẽ tiếp tục áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
“Nếu Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị tiến tới một thỏa thuận công bằng lâu dài về thương mại thì đó là một tin tốt”, Keon nhận định.
“Thương mại vẫn còn là một ẩn số khó đoán”, Golub cho hay.
Nhưng vẫn còn đâu đó sự hoài nghi về khả năng tiến tới thỏa thuận trước hạn chót 01/03/2019. Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng Mỹ xuống còn 2% trong 6 tháng đầu năm 2019 và lưu ý về khả năng áp thêm thuế.
“Tôi nghĩ thị trường cần phải hiểu là chuyện tiến tới thỏa thuận cần phải có thêm thời gian”, Golub cho hay.
Golub cho biết ông không hề lo ngại về đà giảm tốc lợi nhuận doanh nghiệp tại thời điểm này, sau khi lợi nhuận tăng trưởng hơn 20% trong năm 2018.
“Việc bạn so sánh giữa mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2018 với tăng trưởng của năm 2019 không phải là một so sánh hợp lý vì có ảnh hưởng từ các đợt cắt giảm thuế. Tăng trưởng sẽ chậm đi, nhưng đó không phải là một điều đáng ngại”, ông cho hay. “Tôi sẽ kỳ vọng ban quản lý của các công ty sẽ tìm lời thoái thác và thận trọng về ngôn ngữ của họ khi công bố các báo cáo lợi nhuận sắp tới”.
Cho tới nay, tình trạng đóng cửa của Chính phủ Mỹ đã làm gia tăng tâm lý tiêu cực nhưng đây không được xem là yếu tố tác động quá lớn tới nền kinh tế và thị trường.
Một yếu tố tích cực khác là đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – vốn ảnh hưởng tới lãi suất của các khoản thế chấp và các khoản vay khác – đã giảm xuống dưới 2.7%, sau khi có lúc tăng lên 3.25% trong năm 2018.
Vũ Hạo (Theo CNBC)