Vietstock - Đừng để đường sắt đứng im
Sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp gần đây, tất cả vấn đề liên quan đến đường sắt...
Theo chiến lược, kế hoạch mà Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030, tổng nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu là 110.000 tỷ đồng (Trong ảnh: Tàu vào ga Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn
|
Sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp gần đây, tất cả vấn đề liên quan đến đường sắt đều được xã hội đặc biệt quan tâm và mổ xẻ ngọn ngành. Khách quan có, chủ quan không ít, nhưng có điều gần như tất cả mọi người đều không phủ nhận, đó là đường sắt Việt Nam quá cũ kỹ, không muốn nói là lạc hậu nhất thế giới.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN tại một cuộc tọa đàm thẳng thắn nói: “Trong khi đường sắt thế giới và nền kinh tế đất nước đang tiến lên, đường sắt Việt Nam lại thụt lùi hoặc đứng im. Nếu chúng ta để đường sắt cứ đứng im như thế, chắc chắn sẽ để lại hậu quả”.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chia sẻ: “Những năm qua, việc hiện đại hóa cho hạ tầng kỹ thuật đường sắt rất chậm chạp. Từ khâu xây dựng thể chế cho đến quá trình thực hiện, đặc biệt là đầu tư rất chậm”.
Bộ GTVT và trực tiếp là lãnh đạo ngành Đường sắt cũng nhiều lần bày tỏ, cả hạ tầng đường sắt và toa xe, đầu máy đều đang lạc hậu, công nghệ chưa hiện đại. Một thời, đường sắt được coi là loại hình “vận tải chủ lực và an toàn”, do đó được người dân ưu tiên lựa chọn nhất là vào các dịp lễ, Tết. Nhưng nay, đường sắt so với lĩnh vực vận tải khác ngày càng trồi sụt và bộc lộ rõ yếu kém và chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể so với đường bộ. Nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ và hạn chế TNGT, hành khách sẽ dần ngoảnh mặt, không còn ưu tiên dùng đường sắt nữa.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, những năm gần đây, nguồn lực dành cho đầu tư hạ tầng giao thông nói chung và nhất là đường sắt quá hạn hẹp. Gần như tất cả các nguồn vốn đầu tư công, từ ngân sách, trái phiếu đều sụt giảm. Vốn hàng năm dành cho đường sắt rất nhỏ giọt và theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt là phải “lựa cơm gắp mắm” chủ yếu dùng để phục vụ mục đích nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn chạy tàu. Tới đây, trong ngắn hạn, tình trạng này cũng chưa được cải thiện nhiều. Cụ thể theo chiến lược, kế hoạch mà Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020 lĩnh vực đường sắt cần 48.000 tỷ đồng để đầu tư, nhưng thực tế đường sắt mới được bố trí hơn 1.000 tỷ đồng kế hoạch, trong đó hơn 600 tỷ đồng để trả nợ những dự án cũ đã được phê duyệt, triển khai nhưng lúc đó chưa có vốn.
Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua chủ trương cấp 7.000 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 cho đường sắt. Trong bối cảnh nguồn vốn đang rất khó khăn, 7.000 tỷ đồng này dù so với kế hoạch không thấm tháp là bao, nhưng cũng là khoản tiền rất lớn và vô cùng có ý nghĩa để đường sắt đầu tư, nâng cấp, “bịt” những lỗ hổng mất an toàn và từng bước hiện đại hóa. Hơn lúc nào hết, ngành Đường sắt cần sử dụng chắt chiu và hiệu quả nhất.
Hà Thanh Oai