Vietstock - IMF cảnh báo: Dùng nợ tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng có thể dẫn đến khủng hoảng!
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra lời cảnh báo dành cho các Chính phủ dựa vào sức chi tiêu của người tiêu dùng (bằng chính nguồn tiền họ vay) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, IMF cho rằng họ có thể bị rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nếu làm như vậy, The Guardian đưa tin.
Trong một báo cáo trước cuộc họp thường niên của mình ở Washington vào tuần tới, IMF cho biết phân tích về chi tiêu của người tiêu dùng và tỷ lệ nợ của hộ gia đình cho thấy rằng các nền kinh tế được hưởng lợi trong 2 đến 3 năm đầu khi các hộ gia đình tăng mức vay, nhưng sau đó rủi ro bắt đầu tăng lên.
Khi tăng trưởng trở nên phụ thuộc vào lượng nợ của hộ gia đình thì một cuộc sụp đổ tài chính có thể sẽ xảy ra trong 2 đến 3 năm sau đó, IMF cho biết trong báo cáo của mình về hệ thống tài chính toàn cầu.
Nghiên cứu của IMF được thực hiện sau một loạt cảnh báo về mức tăng nợ hộ tiêu dùng ở Anh do các nhà điều hành tài chính và các tổ chức trợ giúp các vấn đề về nợ đưa ra.
Trong một bài viết đi kèm bản báo cáo trên, một trong những tác giả, Nico Valckx, cảnh báo rằng “Lượng nợ dùng để thúc đẩy các ‘bánh xe’ của nền kinh tế. Nó cho phép các cá nhân thực hiện đầu tư lớn hôm nay, như mua nhà hay học đại học, được đảm bảo bằng một phần thu nhập trong tương lai của họ. Theo lý thuyết, tất cả điều đó đều ổn cả. Tuy nhiên, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy, tăng trưởng nhanh trong nợ từ hộ tiêu dùng, đặc biệt là nợ vay mua nhà, có thể gây ra mối đe dọa”.
Ông cho biết thêm: “Mức nợ cao hơn hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng thất nghiệp cao hơn đáng kể trong 4 năm tới. Và sự gia tăng một điểm phần trăm trong khối nợ sẽ làm tăng khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng trong tương lai lên khoảng một điểm phần trăm. Đó là một mức tăng đáng chú ý, khi bạn biết rằng xác suất xảy ra khủng hoảng là 3.5%, ngay cả khi không có khoản tăng nào về nợ”.
Đầu năm nay, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm 2017 bớt 0.3% xuống còn 1.7%, và được dự báo sẽ giảm thêm nữa trong tuần tới khi báo cáo triển vọng toàn cầu của IMF được công bố. Bất ổn do cuộc bỏ phiếu Brexit và các cuộc đàm phán “ly dị” tạo ra, cùng với sự phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng, vốn đã chậm lại trong năm nay, có thể sẽ bị cho là nguyên nhân dẫn tới việc hạ dự báo tăng trưởng của Anh.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết các ngân hàng của quốc gia này có thể bị thiệt hại 30 tỷ Bảng Anh từ các mảng cho vay bằng thẻ tín dụng, vay cá nhân và vay mua xe nếu lãi suất và nạn thất nghiệp tăng nhanh.
Tổ chức hỗ trợ các vấn đề về nợ Stepchange đã lên tiếng cảnh báo rằng 6.5 triệu người đã sử dụng tín dụng để thanh toán cho những hàng hóa cơ bản như thực phẩm sau khi có sự thay đổi trong điều kiện sống của họ. Và các Nghị sĩ đã kêu gọi thành lập một ủy ban độc lập để xem xét những tác động từ sự gia tăng của khoản nợ từ hộ tiêu dùng ở nước Anh.
Tỷ lệ nợ của hộ tiêu dùng trên GDP đã giảm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ mức đỉnh gần 170% xuống còn 140%. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, con số này bắt đầu leo dốc, qua đó làm nảy sinh lo ngại rằng tăng trưởng GDP của Anh hiện đã phụ thuộc vào nợ tiêu dùng.
Ông Valckx cho rằng những quốc gia có mức nợ cao có thể giảm rủi ro bằng cách đưa ra những hạn chế khắt khe dành cho các mức vay và siết chặt quy định trong lĩnh vực ngân hàng.
“Các quốc gia có thể giảm bớt rủi ro bằng cách đưa ra những biện pháp tiết chế tăng trưởng nợ hộ tiêu dùng, như tăng tiền trả trước khi mua nhà hay tăng phần thu nhập của hộ gia đình dành cho việc trả nợ”, ông nói.
Hầu hết các rủi ro đều liên quan tới thị trường nợ vay mua nhà, nơi mà giờ đây đã có quy mô gấp 10 lần so với thị trường nợ tiêu dùng ở Mỹ và Anh. Tại Anh, tỷ lệ nợ vay mua nhà so với GDP đã duy trì ở mức ổn định kể từ năm 2008 đến nay.