Vietstock - Áp thuế tiêu thụ nước ngọt: Doanh nghiệp kêu trời, đòi Bộ giải thích
Lý do Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt bởi mặt hàng này gây béo phì và các bệnh tim mạch, tiểu đường theo đại diện doanh nghiệp là chưa thuyết phục. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu thắc mắc, có đồ uống không có đường hoặc hàm lượng đường rất thấp, dùng để bổ sung khoáng chất, vitamin cho cơ thể nhưng vẫn bị đề xuất áp thuế.
Đây là nội dung đáng chú ý vừa được nêu lên tại hội thảo: “Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/9 tại Hà Nội.
Thế nào là nước ngọt?
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam dẫn lại một trong những cơ sở áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt được Bộ Tài chính đưa ra trước đó là: bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cụ thể là béo phì, tim mạch và tiểu đường.
Theo ông Vỵ, cơ sở này phải được chứng minh một cách khoa học. “Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì hay không,” ông đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng có cùng quan điểm này. Ông thừa nhận, nước ngọt có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tăng cân, béo phì không hẳn chỉ do thức uống này gây ra. Điều quan trọng hơn theo ông là nguyên nhân từ khẩu phần ăn hàng ngày đặc biệt là thức ăn nhanh cũng như cách sinh hoạt, vận động.
Bởi vậy, nghi vấn khác được vị đại diện hiệp hội này đặt ra là: Nếu áp thuế tiêu thụ đăc biệt với nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hiện tại không?
Riêng về khái niệm với nước ngọt, ông Nguyễn Tiến Vỵ cũng băn khoăn làm sao xác định được rõ ràng. Nước ngọt là nước uống có đường hay tất cả các đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không.
Nói điều này bởi theo ông, trong trường hợp nước uống có vị ngọt nhưng không chứa đường thì có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như Bộ Tài chính mô tả không?
Ngược lại, nếu nước ngọt được định nghĩa là đồ uống có đường, ông khẳng định, mức thuế áp dụng cần phải thay đổi theo hàm lượng đường.
“Không nên áp dụng mức thuế giống nhau giữa sản phẩm có hàm lượng đường thấp và sản phẩm có hàm lượng đường cao vì ảnh hưởng của cá sản phẩm này là khác nhau,” đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam nói.
Có phân biệt đối xử?
Đồng quan điểm, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng đã gửi ý kiến tới VCCI cho rằng, có sự phân biệt đối xử giữa đồ uống và các thực phẩm khác có chứa đường hoặc có vị ngọt.
Theo đại diện đơn vị này, nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường thì dự thảo nên đánh thuế tất cả các loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các loại bệnh đó như bánh kẹo, đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn nhanh.
Đáng chú ý, trong danh mục đề xuất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính có nước uống thể thao. Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng đặt nghi vấn, đồ uống thể thao thường không có đường, thậm chí nếu có, hàm lượng đường rất thấp. Trong khi đó, đồ uống thể thao có chứa khoáng chất và vitamin, cần thiết để giúp vận động viên hoặc người chơi thể thao thay thế nước, chất điện giải và năng lượng.
“Đồ uống thể thao không thể là nguyên nhân gây ra chứng béo phì và tiểu đường,” đại diện đơn vị trên thẳng thắn.
Góp ý thêm, ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam thắc mắc việc, dự thảo của cơ quan chức năng loại trừ sản phẩm nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên khỏi danh sách chịu thuế.
Theo ông, nước trái cây, rau quả rất có ích và thường chỉ chứa một lượng chất phụ gia tạo hương vị và bảo quản. Bởi vậy, nếu yêu cầu trái cây, rau quả 100% tự nhiên là điều kiện khó đáp ứng.
Từ đó, ông đề xuất, không nên để điều kiện 100% tự nhiên mà có thể quy định, các sản phẩm nước trái cây, rau quả trong đó thành phần tự nhiên chiếm 90% hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn.
Nhìn lại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng vẫn cho rằng, điều này cần cân nhắc nhất là khi thu nhập người dân vẫn thấp.
“Tôi vẫn cho rằng chưa nên hoặc nếu có thì chỉ để mức độ thấp,” ông Hùng nói.
Trước đó, trong tháng Tám, Bộ Tài chính đã đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính đã soạn thảo, xin ý kiến các cơ quan, đơn vị 2 phương án điều chỉnh thuế: Một là áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019; Hai là áp mức thuế 20% áp dụng từ năm 2019. Về phần mình, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh theo phương án 1, tức là áp mức thuế 10%. |