Vietstock - Từ vụ VN Pharma, đề xuất thanh tra toàn bộ hai Cục của Bộ Y tế
Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện với Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế...
Vụ án Vn Pharma đang gây tranh cãi, bức xúc trong dư luận.
|
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa có báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả và vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 cho biết, thời gian qua đã triển khai nhiều chỉ thị, kế hoạch đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt Công điện 90 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xử lý sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng…đã thu được một số kết quả tích cực.
Đáng chú ý, năm 2014, trước những sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (Tp.HCM), cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án “Nguyễn Minh Hùng, Võ Văn Cường và đồng bọn buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu”.
Cơn quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra và chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố đối với 9 bị can là Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Nguyễn Trí Nhật, Phan Cẩm Loan. Ngô Anh Quốc, Lê Thị Vũ Phương, Bùi Ngọc Duy, Phạm Văn Thông và Phạm Anh Kiệt.
Ngày 20/8/2017, Toà án nhân dân Tp.HCM đã mở phiên toà xét xử 9 bị cáo về các hành vi nêu trên và dư luận đặc biệt quan tâm.
Qua đánh giá tình hình và nghiên cứu vụ án trên, Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra rất phức tạp.
“Vụ án này được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, vì hành vi phạm tội của các đối tượng là rất nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã bất chấp nguy hiểm đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người bệnh khi sử dụng thuốc giả, kém chất lượng…”, văn bản nêu.
Từ thực tiễn trên, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đề xuất Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ vai trò quản lý nhà nước của Cục Quản lý được và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực hiện chức năng trên phạm vi toàn quốc.
“Đối với vụ án tại Công ty Cổ phần VN Pharma cần phải xác định, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật”, văn bản nêu.
Ban chỉ đạo 389 còn đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan đến tổng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, kịp thời phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời rút ra những tồn tại, vướng mắc và đề xuất những giải pháp khắc phục.
Ban chỉ đạo 389 cũng đề xuất Phó thủ tướng chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước với Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)./.