Vietstock - ĐHĐCĐ OCB: Kêu gọi cổ đông chiến lược vào sau đó mới niêm yết cổ phiếu
Sáng ngày 27/04/2019, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức ĐHĐCĐ năm 2019 bàn về kế hoạch lãi trước thuế 3,200 tỷ đồng, dùng cổ phiếu quỹ phát hành ESOP và niêm yết lên HOSE trong năm 2019.
ĐHĐCĐ thường niên 2019 của OCB tổ chức sáng ngày 27/04/2019.
|
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3,200 tỷ đồng
Năm 2019, OCB đặt chỉ tiêu tăng trưởng 30% đối với các chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện được cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng), tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần ở mức 37%, lợi nhuận trước thuế 3,200 tỷ đồng.
OCB tiếp tục đẩy mạnh doanh số bán và đa dạng hóa sản phẩm phi lãi suất, đưa tỷ lệ thu ngoài lãi trên 30% tổng thu thuần. Thực hiện huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài phục vụ hoạt động phát triển kinh doanh, cùng với việc hoàn thành niêm yết cổ phiếu OCB trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).
Dùng cổ phiếu Phát triển nguồn nhân lực và cổ phiếu quỹ phát hành ESOP
HĐQT OCB dự định sử dụng cổ phiếu Phát triển nguồn nhân lực và cổ phiếu quỹ phân phối cho CBNV với tổng số 5 triệu cổ phần, tương đương 50 tỷ đồng. Đợt phân phối này được chia làm 2 đợt. Đợt 1 sử dụng hơn 1.6 triệu cổ phần từ nguồn cổ phiếu Phát triển nguồn nhân lực. Đợt 2 sử dụng gần 3.4 triệu cổ phần từ nguồn cổ phiếu quỹ. Sau khi sử dụng cổ phiếu quỹ phân phối cho CBNV số cổ phiếu quỹ còn lại gần 6.9 triệu cổ phẩn. Thời gian thực hiện trước ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Năm 2018, OCB chưa thể thực hiện được việc niêm yết trên HOSE, do đó năm 2019 HĐQT tiếp tục triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu OCB lên HOSE. Giao và ủy quyền cho HĐQT OCB quyết định thời gian thực hiện và thủ tục ký kết.
Tổng mức thù lao, phụ cấp chuyên trách hoạt động năm 2019 của HĐQT và BKS tối đa 22.4 tỷ đồng (0.7% lợi nhuận trước thuế).
Tăng vốn từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Năm 2018, OCB đã hoàn tất việc tăng vốn đợt 1 cho cổ đông hiện hữu với tổng số vốn điều lệ tăng lên hơn 1,599 tỷ đồng. Phương án phát hành riêng lẻ hơn 800 tỷ đồng vẫn chưa hoàn tất.
Kết thúc năm 2018, mức vốn điều lệ của OCB đạt hơn 6,599 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến mức vốn điều lệ tăng lên hơn 9,083 đồng, với mức tăng 2,484 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn tăng thêm. Vốn tăng thêm sẽ được dùng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay.
Trong đó, tăng từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu mức vốn điều lệ tăng thêm hơn 1,299 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu mới theo cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư gần 1,185 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Chia cổ tức 2018 tỷ lệ 20%
Năm 2018, tổng tài sản của OCB đạt 100,047 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2017, thực hiện 86% kế hoạch. Huy động thị trường 1 đạt 71,158 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và thực hiện được 95% kế hoạch. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 57,800 tỷ đồng, tăng 19% và thực hiện 95% kế hoạch. Đồng thời, trong năm 2018, OCB cũng đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1.87%.
Lợi nhuận trước thuế của OCB đạt gần 2,202 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 110% kế hoạch. Sau khi trích lập các quỹ lợi nhuận còn lại gần 1,497 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của các năm trước 2018 là hơn 4.3 tỷ đồng. OCB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20% với tổng giá trị hơn 1,299 tỷ đồng.
Thảo luận:
Tình hình tăng trưởng tín dụng 2019 đưa ra cao hơn 2018, OCB có đạt được mục tiêu lợi nhuận 3,200 tỷ không?
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB: Năm nào OCB cũng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận qua các số liệu. Sắp tới kế hoạch 3,200 tỷ đồng, tương đương tăng 35%.
Làm thế nào thực hiện được, thứ nhất OCB vẫn tập trung tăng trưởng quy mô, một số hoạt động kinh doanh mới như kinh doanh thẻ, ngân hàng số, bảo hiểm… năm nay sẽ có hiệu quả. Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Từ 2016 - 2018 đều có dự định niêm yết nhưng không thực hiện được, 2019 lại tiếp tục trình, HĐQT cho biết với tình hình thực tế thì 2019 có niêm yết được không, cụ thể quý nào?
Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB: OCB đã đưa ra nghị quyết 2 năm 2017-2018, tờ trình về việc không niêm yết đã báo cáo. HĐQT không có chuyện không muốn niêm yết, nhưng phải cân nhắc làm sao niêm yết cho có lợi nhất, tốt nhất cho OCB. Hiện nay, OCB là 1 trong những ngân hàng có lợi nhuận 2,000 tỷ đồng trở lên còn room bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài. OCB đang kêu gọi cổ đông chiến lược để gia tăng năng lực tài chính, định giá cổ phiếu… sau đó mới niêm yết.
Năm 2017 định hướng lên UPCoM, sau đó thị trường thay đổi, năm 2018, nhiều nhà đầu tư gặp cú sốc khi đầu tư vào ngân hàng, nên những ngân hàng đi sau sẽ gặp bất lợi khi chào giá cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, OCB chưa hoàn thành kế hoạch đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài và mong muốn cổ phiếu OCB sẽ được định vị đúng với giá trên thị trường.
Do vậy, OCB quyết định phải lùi lại thời gian niêm yết. Cụ thể khi nào niêm yết, HĐQT hy vọng cao sẽ niêm yết trong năm nay, cố gắng hoàn thành vào quý 3 hoặc quý 4/2019.
Phương án phân chia lợi nhuận và phát hành riêng lẻ trước hay sau niêm yết?
Sau Đại hội sẽ chia cổ phiếu thưởng, còn phát hành riêng lẻ phải chờ thỏa thuận với các nhà đầu tư. Nếu như hoàn thành sớm khi nào thì niêm yết khi đó.
Thời gian nào đàm phán xong với nước ngoài?
Việc đàm phán mất nhiều thời gian và phải thực hiện với nhiều đối tác khác nhau. Đã có thời gian và lịch trình cụ thể, cố gắng hoàn tất hết quý 3/2019. Cố gắng niêm yết trong năm 2019.
Cát Lam